Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi): Văn bản luật đừng xa rời cuộc sống

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ra đời từ năm 2008, đến nay, Luật Giao thông đường bộ đã trải qua 12 năm có hiệu lực thi hành. So với cuộc đời một con người, đây mới chỉ là khoảng thời gian bắt đầu. Tuy nhiên, đối với một văn bản luật, đặc biệt với văn bản luật trong lĩnh vực giao thông, vốn có quá nhiều thay đổi trong thời gian qua, 12 năm thật sự là một hành trình đường trường đầy cố gắng.

 Ảnh minh họa
Trong hơn một thập kỷ qua, Luật Giao thông Đường bộ đã góp phần không nhỏ vào việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực giao thông vận tải nước ta trong những năm gần đây, Luật Giao thông đường bộ đã dần bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí là lạc hậu và lỗi thời so với thực tiễn đời sống xã hội. Chính vì vậy, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là văn bản luật đang được chờ đợi với mong muốn cập nhật hơn và phù hợp với đời sống thực tiễn hơn.
Mặc dù vậy, trong những ngày qua, khi bản Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân, không ít ý kiến trái chiều đã xuất hiện liên quan đến những đề xuất, kiến nghị của đơn vị soạn thảo luật. Cụ thể nhiều đề xuất bị cho là thiếu thực tế và không khả thi, hoặc nhiều quy định được đơn vị soạn thảo luật hóa từ các văn bản dưới luật. Điển hình nhất là quy định bắt buộc phải bật đèn 24/24 giờ đối với mô tô, xe máy khi tham gia giao thông. Theo lý giải của Bộ GTVT, đây là cách làm được nhiều nước phát triển ở châu Âu áp dụng từ lâu nhằm tăng tính nhận diện phương tiện, giúp tránh nguy cơ va chạm, tai nạn giao thông. Gần như ngay lập tức đề xuất này vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận, bởi thiếu khả thi.
Còn nhớ, năm 2016, Thông tư số 57/2015/TT-BCA ngày 26/10/2015 chính thức có hiệu lực với một điều khoản quy định gây nhiều tranh cãi, đó là tất cả các ô tô 4 chỗ phải trang bị phương tiện chữa cháy. Sau 5 năm, Thông tư 57 có hiệu lực, quy định gây tranh cãi này vẫn không thể đi vào đời sống vì vô vàn những bất cập phát sinh. Vừa qua, trong bản dự thảo lần 2 thông tư hướng dẫn về trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Bộ Công an đã chính thức dỡ bỏ quy định này mà thay vào đó là quy định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 đến dưới 10 chỗ ngồi thay vì phải có bình chữa cháy chỉ cần có hệ thống điện, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa bố trí bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Việc bãi bỏ một quy định không phù hợp với thực tiễn đời sống là cần thiết nhưng thiết nghĩ, nếu đơn vị soạn thảo luật có sự nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng hơn, hãy loại bỏ những quy định vô lý và vô nghĩa ngay từ trong đề xuất ban đầu sẽ tốt hơn là cố đưa chúng vào luật để rồi đến một thời gian nào đó phải tự tay loại bỏ nó một lần nữa.