Điểm sáng trong cải cách hành chính
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Luật Hộ tịch được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Việc Quốc hội thông qua Luật Hộ tịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với nhiều quy định mới đề cao quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đã khẳng định vai trò quan trọng của công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Việc ban hành Luật Hộ tịch là bước hoàn thiện căn bản về thể chế đăng ký và quản lý hộ tịch của Việt Nam với nhiều quy định mới, mang tính đột phá, tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, từng bước chuẩn hóa đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phân cấp quản lý và giải quyết việc hộ tịch của người dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, kết quả 6 năm triển khai thi hành luật được thể hiện nổi bật qua bốn phương diện. Trước hết, sự hài lòng của người dân đối với công tác hộ tịch được ghi nhận trên cả nước và được đánh giá là điểm sáng trong cải cách hành chính của Việt Nam.Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước đi vào nền nếp và chuyên nghiệp hơn. Hệ thống cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch và đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch từ T.Ư đến cấp xã được củng cố, kiện toàn. Cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký và quản lý hộ tịch được đẩy mạnh, ngày càng tạo thuận lợi cho người dân trong đăng ký hộ tịch.
Dữ liệu hộ tịch đã được hình thành với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, hệ thống sổ sách về hộ tịch được lưu trữ, sử dụng lâu dài. Số liệu thống kê, báo cáo được bảo đảm chính xác hơn; bước đầu đáp ứng yêu cầu tra cứu cũng như cấp các giấy tờ hộ tịch của cá nhân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký, lưu trữ dữ liệu về hộ tịch đã được triển khai ở các địa phương và T.Ư, từng bước kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác...
Trong khi đó, bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đánh giá, với vai trò cơ quan chủ trì trong triển khai Luật Hộ tịch, Bộ Tư pháp đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, giúp công tác hộ tịch đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như: hoàn thiện các văn bản hướng dẫn trong công tác hộ tịch, hiện đại hóa việc đăng ký, thống kê hộ tịch, nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch của người dân.
“Hiện nay công dân Việt Nam có thể đăng ký hộ tịch theo cách thuận tiện nhất, nộp hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến. Tuy nhiên, tỷ lệ đăng ký khai tử và một số sự kiện hộ tịch khác cần được cải thiện. Trong đó, vấn đề mấu chốt là thúc đẩy công tác phối hợp, quan tâm bố trí nguồn lực, kinh phí cho các địa phương” - bà Naomi Kitahara nhận định.
Trưởng đại diện UNFPA cũng cam kết, thời gian tới, trong quá trình tiếp tục thực thi Luật Hộ tịch và Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024, UNFPA sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Tăng cường quản lý nhà nước về hộ tịch
Thông tin tại hội nghị, đại diện Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, sau 6 năm triển khai thi hành, Luật Hộ tịch đã đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực hộ tịch, tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch; tăng cường quản lý nhà nước về hộ tịch của UBND các cấp; từng bước tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch; thay đổi phương thức đăng ký hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thuận lợi cho người dân.
Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác đăng ký, thống kê hộ tịch, tạo thuận lợi cho người dân. CSDL hộ tịch điện tử dần được hình thành với hàng chục triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, khai tử, nhận cha, mẹ, con, đăng ký giám hộ, đăng ký nuôi con nuôi, đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.
Thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch tiếp tục được đẩy mạnh cải cách, tạo thuận lợi cho người dân. Tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh tăng hàng năm; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh đạt 98,8%.
63 tỉnh, TP đều ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; triển khai Đề án 06; đẩy mạnh cung cấp các thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến, nhất là 3 thủ tục thiết yếu: đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn. Việc số hóa sổ hộ tịch cũng đang được các địa phương chú trọng triển khai.
Công tác đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài có nhiều chuyển biến. Từ 1/1/2016 đến 30/6/2022, UBND cấp huyện trên toàn quốc đã giải quyết 74.044 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài là 27.353 trường hợp. Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch tại Cơ quan đại diện được tăng cường, đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện, một số quy định pháp luật hộ tịch dần bộc lộ tồn tại; việc triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ tịch điện từ toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực; đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch còn thiếu tính ổn định…
Để đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hộ tịch, thời gian tới cần tăng cường quản lý nhà nước về hộ tịch; tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch; tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp có liên quan; bảo đảm điều kiện phương tiện, cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp…
Nhân dịp này, 22 tập thể, 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 6 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch đã được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.