Theo các đại biểu hộ tịch là những thông tin cơ bản về xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết, liên quan trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân. Làm tốt công tác hộ tịch là tiền đề quan trọng để bảo đảm cho người dân thực hiện quyền cơ bản và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời để các cơ quan nhà nước thực hiện công tác quản lý dân cư và hoạch định các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an nình. Cơ quan soạn thảo đã có nhiều cố gắng trong việc soạn thảo dự án Luật, tổ chức tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng dự án Luật. Hồ sơ dự án Luật đầy đủ; quy trình thủ tục đáp ứng yêu cầu Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật...
Đa số đại biểu tán thành cần thiết ban hành Luật Hộ tịch, nhất trí với nhiều nội dung của dự Luật nhằm thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp về quyền công dân, quyền con người, phù hợp với lộ trình đã được đặt ra để triển khai thi hành hiến pháp. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo, rà soát các quy định của dự án Luật Hộ tịch với các quy định của dự án Luật Căn cước công dân để đảm bảo thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời chỉ đạo quyết liệt thực hiện có hiệu quả Đề án 896, góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu và lộ trình đề ra trong việc ban hành Luật Hộ tịch.
Tham gia ý kiến về mối quan hệ giữa việc cấp giấy khai sinh và thẻ căn cước công dân, đại biểu (ĐB) Đinh Xuân Thảo (tổ Hà Nội) cho rằng, dự thảo Luật Hộ tịch cần nghiên cứu để quy định thống nhất nội dung này trong hai Luật hộ tịch và Luật Căn cước công dân. Nếu thẻ căn cước công dân và giấy khai sinh đều ghi thông tin trùng nhau thì có thể chỉ cần một trong hai loại giấy tờ này là đủ, tránh phát sinh thêm giấy tờ, gây phiền hà cho công dân đi làm thủ tục kê khai.
“Theo dự án Luật Hộ tịch, giấy khai sinh cấp cho trẻ ngay mới sinh ra làm cơ sở quản lý nhà nước với công dân, đồng thời công dân thực hiện quyền cơ bản. Tuy nhiên, theo dự thảo Luật Căn cước công dân thì thẻ căn cước công dân cũng được cấp khi làm thủ tục khai sinh. Vậy cái nào có trước, cái nào có sau, hai loại giấy tờ này sẽ có sự trùng lặp thông tin của người khai. Vì vậy, dự Luật cần nghiên cứu quy định thống nhất hai nội này trong hai Luật, nếu thẻ căn cước công dân và giấy khai sinh đều ghi nội dung thông tin trùng nhau thì có thể chỉ cần một trong hai loại giấy tờ là đủ tránh, điều này tránh phát sinh nhiều giấy tờ và gây hiền hà về mặt thủ tục hành chính cho nhân dân...” - ĐB Thảo nói.
Cũng theo ĐB Thảo, dự Luật cần có phương án đảm bảo việc lưu trữ thông tin đăng ký hộ tịch, vì hiện nay cơ sở vật chất ở cấp xã không đủ, do đó việc lưu giữ không đảm bảo. Ngoài ra, nghiên cứu tên gọi khác cho thẻ căn cước công dân, vì đã là thẻ căn cước thì người có nó phải mang ở bên mình, gắn với công dân nhưng thực tế từ 0-14 tuổi giấy tờ này do bố mẹ và người thân giữ hộ.
Cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân, các đại biểu cho rằng: Việc sử dụng giấy tờ về căn cước công dân (chứng minh nhân dân) đã được thực hiện ở nước ta từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, hoạt động quản lý căn cước công dân mới được điều chỉnh bởi Nghị định của Chính phủ nên hiệu lực pháp lý không cao, quá trình triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, gây phiền hà cho người dân. Do đó, việc xây dựng dự án Luật Căn cước công dân là cần thiết để luật hóa những quy phạm pháp luật đã thực hiện ổn định, có hiệu quả và thể chế hóa quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý dân cư theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho người dân.
Theo ĐB Đỗ Kim Tuyến, về đặc điểm nhận dạng thông tin trên thẻ căn cước công dân làm sao phải chính xác. “Thực tế hiện nay, có nhiều người khi nhìn ảnh người thật với ảnh trong chứng minh không nhận được ra, đặc biệt về nhận dạng đặc điểm và giới tính do việc phẫu thuật thẩm mỹ, chuyển đổi giới tính... Vậy cấp vĩnh viễn thì theo tôi phải phải tính kỹ” - ĐB Tuyến.
Góp ý về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Căn cước công dân, ĐB Nguyễn Đức Chung cho biết, dự Luật vẫn chưa quy định đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác cấp và quản lý căn cước công dân. Kiến nghị cần phải xây dựng một chương riêng quy định cụ thể về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Trong đó, quy định cụ thể về nội dung, trình tự thủ tục, quy trình, thẩm quyền, phương pháp cập nhật, quản lý, sử dụng và khai thác thông tin dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước công dân.
Ngoài ra, đối với số định danh cá nhân ĐB Chung khăn khoăn về việc này Luật có chồng chéo, khi một cá nhân tồn tại nhiều loại giấy tờ như: Chứng minh thư nhân dân 9 số, 12 số, giờ thêm số định danh nữa thì như nào? Trong khi đang dùng chứng minh thư nhân dân 9 số, 12 số nếu không dùng nữa thì bỏ, vậy trong thủ tục hành chính sẽ nảy sinh rất nhiều như thay đổi lại hệ thống giấy liên quan kèm theo.
Nói về dự thảo hai dự thảo Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân, theo ĐB Phạm Quang Nghị, cần có lộ trình làm và phải có sự nghiên cứu kỹ tính thực tiễn của các Luật, chưa tính được thì chưa lên làm ngay. Trong dự thảo Luật Căn cước công dân thuyết trình của dự luật phải đảm bảo tính khả thi; không được đơn giản hóa; đưa ra được phương án thay thế cho giấy tờ cũ một cách đơn giản. “Riêng về thẻ căn cước cần nghiên cứu đặc điểm nhận dạng, vì cấp vĩnh viễn mà lại cấp ngay từ khi trẻ mới sinh thì có cơ sở nào để nhận dạng đặc điểm cho sau này” - ĐB Nghị cho biết.
Ngoài ra, các đại biểu cho ý kiến về sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi của các dự án Luật; phân công, phân cấp trong Luật Hộ tịch; thời điểm, cơ quan cấp thẻ căn cước công dân và số định danh cá nhân…
Đại biểu Phạm Quang Nghị, phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận.
|