Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật hóa quy định về hộ chiếu điện tử: Hợp xu thế, tăng hiệu quả quản lý

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy định mới về hộ chiếu điện tử trong Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều người dân.

Không ít ý kiến đánh giá, đây là một xu hướng tất yếu, nhằm tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện thủ tục xuất, nhập cảnh.
 Ảnh minh họa.
Thời gian qua, nhằm bảo đảm thời hạn cấp cũng như giảm thời gian đi lại của người dân khi làm giấy tờ xuất, nhập cảnh, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này như máy đọc hộ chiếu tại các cửa khẩu quốc tế, khai tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu, dán mã vạch vào giấy thông hành… Đặc biệt cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn, bảo đảm công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện trong cấp, kiểm soát giấy tờ xuất, nhập cảnh.
Theo quy định của Dự Luật, hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có hai loại gồm hộ chiếu có gắn chíp điện tử và hộ chiếu không gắn chíp điện tử. Trước đó, từ năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt Đề án sản xuất và phát hành những loại hộ chiếu này song đến nay chưa có văn bản luật điều chỉnh.
Việc có riêng một luật quy định về sử dụng hộ chiếu điện tử được đánh giá là xu hướng tất yếu, bởi hiện nay, nhiều nước cũng đã khuyến cáo ưu tiên trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh đối với người sử dụng hộ chiếu dạng này. Về phía cơ quan Nhà nước, việc sử dụng hộ chiếu điện tử sẽ tận dụng được thông tin trong cơ sở dữ liệu để phục vụ việc kiểm tra trước khi cấp hộ chiếu, kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh tại cửa khẩu.
Quy định này cũng nhận được sự đồng tình của các đại biểu Quốc hội khi Dự Luật được trình ra Quốc hội. Theo đại biểu Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La), việc Dự Luật quy định cấp hộ chiếu điện tử song song với hộ chiếu truyền thống hiện nay là điểm hết sức tiến bộ. Để khắc phục tồn tại trong quản lý cũng như tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện thủ tục xuất, nhập cảnh thì đây là thời điểm chín muồi để thực hiện.
Để bảo đảm quy định này có tính khả thi, đại biểu Bùi Xuân Thống (đoàn Đồng Nai) đề nghị: Ban soạn thảo nên có đánh giá thêm về quy định hộ chiếu chíp điện tử cũng như chi phí để thực hiện quy định này. Cũng có ý kiến đại biểu lại băn khoăn, Dự Luật quy định về hộ chiếu gắn chíp điện tử, vậy trường hợp nào sẽ được gắn chíp điện tử?
Một số ý kiến cũng cho rằng, Dự Luật nên làm rõ việc cấp hộ chiếu thông thường và hộ chiếu điện tử khác nhau như thế nào để qua đó, nếu tốt hơn thì nên thống nhất một loại hộ chiếu có chip điện tử để quản lý dữ liệu công dân, quản lý con người chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần có lộ trình phù hợp, đánh giá cụ thể hơn về nguồn lực thực hiện, để bảo đảm khi Luật có hiệu lực thì hộ chiếu điện tử có thể đưa vào sử dụng ngay, đảm bảo tính khả thi của Luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt, trong quá trình thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng lưu ý: Bộ Công an với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm chính về vấn đề này phải cố gắng hoàn thiện các quy định để khi được ban hành, các quy định của Luật đi vào cuộc sống tốt hơn.