Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật hóa yêu cầu kiểm định khí thải xe máy: Sẽ là bước tiến quan trọng

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) sắp trình lên Quốc hội xem xét, việc kiểm soát khí thải đối với xe máy đã được quy định rõ ràng, cụ thể hơn.

Đây là bước tiến rất quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực của xe máy cũ nát đối với giao thông và môi trường.

Nguồn phát thải chính trong giao thông

Kiểm tra khí thải xe máy bảo dưỡng tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiệp
Kiểm tra khí thải xe máy bảo dưỡng tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiệp

Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT, cả nước hiện có khoảng 60 triệu mô tô, xe gắn máy, chiếm trên 90% lượng phương tiện giao thông. Đây là một trong những nguồn phát thải chính trên lĩnh vực giao thông nhưng lại chưa được kiểm soát chặt chẽ do thiếu các quy định cụ thể của pháp luật.

Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… lượng xe máy tập trung đông, có hàng triệu chiếc là xe cũ nát, vừa không bảo đảm an toàn khi lưu thông, vừa gây ô nhiễm môi trường. Việc kiểm định khí thải đối với xe máy đã được bàn đến từ lâu nhưng chưa đi vào thực tế.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, tính đến tháng 2/2023, TP đã có hơn 7,8 triệu phương tiện giao thông. Trong đó có gần 1,1 triệu ô tô, trên 6,6 xe máy; chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, TP khác thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn Thủ đô. Tốc độ gia tăng phương tiện trung bình từ 4 - 5%/năm. Đó là thách thức rất lớn đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT cũng như giữ gìn môi trường không khí của TP.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Nhiều gia đình dù mua xe máy mới nhưng vẫn giữ xe cũ để tận dụng. Họ không có đủ thông tin để nhận diện những tác hại đối với môi trường, ATGT do xe máy cũ nát gây nên. Còn cơ quan chức năng thì không có cơ sở để cấm lưu hành hay thu hồi, xử lý xe máy không đạt tiêu chuẩn lưu hành. Đó là vướng mắc chính cần được giải quyết”.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nếu chỉ khuyến khích, vận động người dân mang xe máy đi kiểm tra mức khí thải sẽ không đạt kết quả cao. Bởi lẽ nhiều người lo ngại sẽ bị xử phạt hoặc tịch thu phương tiện khi phát hiện không đạt tiêu chuẩn. Phần khác lo ngại tốn kém thêm chi phí kiểm định hoặc sửa chữa nên sẽ không tự giác đưa xe máy đi “khám” định kỳ.

Trên thực tế, lượng ô tô của cả nước nói chung hiện nay chỉ chiếm khoảng 10% tổng số phương tiện; các đô thị lớn có thể lên tới 15%, ít hơn rất nhiều so với xe máy, nhưng công tác kiểm định, kiểm soát lượng khí thải đã được thực hiện rất chặt chẽ từ lâu. Các xe ô tô không đạt chuẩn khí thải không được phép lưu hành; trốn tránh kiểm định bị xử phạt rất nặng.

Và lẽ ra hình thức kiểm soát này cũng phải được áp dụng đối với xe máy trong suốt những năm qua. Việc bỏ ngỏ kiểm định khí thải với xe máy đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường không khí nặng nề ở nhiều nơi, đặc biệt là các TP lớn.

Khẳng định căn cứ pháp lý

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, muốn giảm thiểu khí thải xe máy, biện pháp đầu tiên là phải tập trung xóa bỏ lượng xe cũ nát; đồng thời rà soát, kiểm tra thường xuyên, định kỳ đối với khí thải của xe đang lưu hành.

Kiểm tra khí thải xe máy khi đi bảo dưỡng tại Hà Nội. Ảnh: Trúc Thủy
Kiểm tra khí thải xe máy khi đi bảo dưỡng tại Hà Nội. Ảnh: Trúc Thủy

Muốn làm được như vậy, trước tiên phải “luật hóa” yêu cầu kiểm kiểm định khí thải đối với xe máy. Có căn cứ pháp lý là luật được ban hành chính thức, cơ quan chức năng mới có thể dần dần đưa công tác này vào triển khai thực tế.

Hơn nữa phải có luật làm căn cứ thực hiện thì các bộ: TN&MT, GTVT… mới xây dựng được quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật đối với khí thải từ xe máy. Vấn đề này đã được Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đề xuất lên Chính phủ, Bộ TN&MT từ nhiều năm trước nhưng đến nay mới được đưa vào Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT.

Dự kiến giai đoạn từ năm 2024 - 2025, Thủ đô sẽ tổ chức thí điểm kiểm định hằng năm với xe máy từ 5 năm sử dụng trở lên, có thể nghiên cứu dán tem để phân biệt. Giai đoạn này cũng bắt đầu áp dụng phân vùng khu vực theo tiêu chuẩn khí thải.

Sau thí điểm, từ năm 2026, xe từ 3 - 5 năm sử dụng trở lên phải kiểm định khí thải định kỳ, đồng thời hạn chế các xe không đạt tiêu chuẩn khí thải tại khu vực đã phân vùng. TP sẽ nghiên cứu áp dụng thu phí khí thải cho các khu vực theo phân vùng bảo vệ. Hà Nội cũng sẽ xây dựng hệ thống kiểm soát khí thải xe máy bao gồm 170 trạm kiểm định cố định và lưu động; đầu tư hệ thống camera giao thông để phát hiện xe xả khói đen.

Muốn khởi động lộ trình này, điều kiện tiên quyết là quy định về kiểm soát khí thải đối với xe máy cần phải được “luật hóa” sớm. Với những xe không đạt tiêu chuẩn khí thải, đã cũ nát phải thu hồi, TP cũng sẵn sàng đưa ra chính sách hỗ trợ chủ xe từ các nguồn ngân sách, xã hội hóa… để chuyển đổi phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải hoặc chuyển đổi sinh kế.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành phân tích, cần phải thông qua luật về Kiểm soát khí thải xe máy sớm, bởi phía sau còn rất nhiều công đoạn cần thực hiện. Từ việc đưa ra quy chuẩn kỹ thuật, xây dựng các trạm kiểm định, nghiên cứu chính sách hỗ trợ người dân, quy định mức xử phạt… đều rất mất thời gian. “Bước đi đầu tiên là đưa ra luật phải nhanh chóng, kịp thời hơn nữa để đẩy nhanh hoàn thiện toàn bộ quy trình kiểm soát khí thải xe máy” - thạc sĩ Phan Trường Thành nói.

 

Tháng 8/2021, Hà Nội tổ chức kiểm định khí thải xe máy nhằm đánh giá hiện trạng phát thải của xe máy cũ, làm cơ sở khoa học xây dựng và thực thi các giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Kiểm tra ngẫu nhiên khí thải của trên 5.200 xe có tuổi đời trên 5 năm cho thấy các phương tiện này có xu hướng phát thải vượt giới hạn cho phép.