Luật sư Nguyễn Sơn Tùng |
- Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Trước hết, quy định của pháp luật với khái niệm về “nhận dịch vụ kiểm toán”, có nguyên tắc chung là doanh nghiệp kiểm toán chỉ được nhận dịch vụ kiểm toán theo khả năng của mình, trong phạm vi yêu cầu của khách hàng. Việc nhận dịch vụ kiểm toán phải thực hiện thông qua hợp đồng kiểm toán. Trong hợp đồng này, ngoại trừ các nội dung khác, bắt buộc phải có nội dung về mục đích, phạm vi và nội dung dịch vụ kiểm toán.
Căn cứ Điều 4 và Khoản 6, Điều 5 cùng Điều 37 của Luật Kiểm toán độc lập, Điều 15 của Nghị định số 17/2012/NĐ-CP đề cập về mục đích của kiểm toán độc lập và xác định đâu là đơn vị được kiểm toán. Theo đó đối tượng hay đơn vị được kiểm toán đã được luật định rõ phải là các doanh nghiệp hay tổ chức, dù là kiểm toán bắt buộc hay tự nguyện. Các quy định hiện hành về kiểm toán không đề cập đến đơn vị được kiểm toán là cá nhân.
Bên cạnh đó, các dịch vụ và nghiệp vụ có liên quan đến kiểm toán, ví như về kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, kiểm toán báo cáo tài chính vì mục đích thuế và công việc kiểm toán khác, tôi lại không nhận thấy các nghiệp vụ này có thể áp dụng cho đối tượng là cá nhân mang tính độc lập như là đơn vị được kiểm toán.
Cần hiểu rằng, cung cấp dịch vụ kiểm toán là việc cung cấp một dịch vụ có điều kiện, do đó tôi không biết căn cứ vào cơ sở nào để có tổ chức kiểm toán độc lập có thể cung cấp dịch vụ kiểm toán trực tiếp cho các khách hàng là cá nhân. Làm sao họ có thể cho ra được về hình thức báo cáo kiểm toán và các hình thức khác thể hiện kết quả kiểm toán. Ví như về thư quản lý và báo cáo khác cho các cá nhân, đây là yêu cầu bắt buộc phải có khi nhận và cung cấp dịch vụ kiểm toán trong hợp đồng kiểm toán.
Nên theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng các doanh nghiệp kiểm toán không được nhận cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập riêng cho các cá nhân nghệ sỹ, nếu không gắn trong mối quan hệ với một tổ chức hay doanh nghiệp có liên quan, tuy nhiên họ có thể cung cấp các dịch vụ khác trong phạm vi hoạt động được pháp luật cho phép.
Vậy các dịch vụ khác theo ông vừa đề cập mà doanh nghiệp kiểm toán có thể cung cấp cho các cá nhân nghệ sĩ là gì?
- Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Căn cứ Khoản 10, Điều 2 của Luật Kế toán số 88/2015/QH13, theo đó có đối tượng áp dụng của Luật Kế toán là “cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến kế toán và hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam”, nên một số cá nhân nghệ sĩ sẽ được thừa nhận là đối tượng kế toán.
Do đó, gắn với hoạt động làm từ thiện của một số cá nhân nghệ sĩ và khi họ có yêu cầu, các doanh nghiệp kiểm toán có thể cung cấp những dịch vụ như: Dịch vụ về tư vấn thuế, dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán hoặc các dịch vụ liên quan khác về tài chính, kế toán, thuế theo quy định của pháp luật, nhưng các cá nhân không phải là đơn vị được kiểm toán theo Luật Kiểm toán.
Cần hiểu rằng các dịch vụ về kế toán hoàn toàn tách biệt và riêng biệt với khái niệm và phạm vi hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán theo Điều 40 của Luật Kiểm toán độc lập, nên không thể đánh tráo khái niệm hay nhầm lẫn giữa các nhóm dịch vụ kế toán và nhóm dịch vụ kiểm toán do cùng doanh nghiệp kiểm toán cung cấp.
Theo ông, nếu chỉ thực hiện việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến kế toán, những nghiệp vụ cụ thể nào mà các doanh nghiệp kiểm toán sẽ làm cho cá nhân nghệ sĩ?
- Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Theo tôi, với nhiệm vụ về kế toán theo Điều 4 của Luật Kế toán và xét trong mối liên quan trực tiếp với các hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ, các dịch vụ như sau đây có thể được cung cấp nếu các nghệ sĩ có lựa chọn: Thu thập, xử lý thông tin, số liệu về kế toán có liên quan đến hoạt động quyên góp và sử dụng tiền, tài sản, hiện vật trong hoạt động từ thiện và các nội dung khác thuộc về công việc kế toán theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán; Kiểm tra các khoản thu, chi tài chính trong công tác từ thiện; Kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền, tài sản, hiện vật và nguồn hình thành có liên quan; Phân tích thông tin, số liệu kế toán và đề xuất các giải pháp trong hoạt động quyên góp và sử dụng tiền, tài sản, hiện vật.
Ví như, liên quan đến dịch vụ về kiểm tra kế toán, sẽ thực hiện các nghiệp vụ về xem xét, đánh giá tuân thủ pháp luật về kế toán, sự trung thực, chính xác của thông tin, số liệu kế toán (Khoản 12, Điều 13 của Luật Kế toán).
Cũng cần nói thêm, theo Điều 8 Luật Kế toán, các đối tượng mà một số ca sĩ dùng hoạt động trong từ thiện như tiền, hiện vật, tài sản, thu chi, chênh lệch nguồn thu chi, nguồn kinh phí, quỹ… là các đối tượng kế toán. Các doanh nghiệp kiểm toán hay các kiểm toán viên trong doanh nghiệp kiểm toán họ có quyền thực hiện các nhiệm vụ về kế toán. Ví như có thể tiến hành thực hiện việc gửi thư xác nhận đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc ủng hộ hay nhận tiền, hiện vật từ hoạt động từ thiện, và đề nghị các đối tượng này xác nhận cũng như ký vào các báo cáo về kiểm toán.
Kết quả của dịch vụ liên quan đến kế toán sẽ cho ra các báo cáo trong kế toán, ví như báo cáo kết quả hoạt động, báo cáo lưu chuyển tiền tệ… và cần lưu ý đây không phải là báo cáo kiểm toán.
Theo ông việc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán hay kiểm toán sẽ gặp khó khăn nào khi cung cấp dịch vụ cho một số nghệ sĩ liên quan đến việc từ thiện?
- Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Áp lực và sự săm soi của dư luận, đấy có thể kể đến là áp lực đầu tiên. Ngoài ra, việc các cá nhân nghệ sĩ làm từ thiện thực chất là mang tính tự phát và chưa được pháp luật công nhận, nếu căn cứ vào các quy định hiện hành theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP hay Nghị định số 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Tôi chỉ phân tích ở khía cạnh nhỏ về mặt chủ thể và hành vi, theo đó tôi cho rằng: Họ không được quyền tự ý đứng ra thực hiện việc kêu gọi hay nhận tiền quyên góp, nghĩa là hành vi kêu gọi, nhận tiền hay hiện vật và hành vi quyết định, định đoạt việc sử dụng tiền, tài sản hay hiện vật do quyên góp mà có là họ không được phép làm, hay nói cách khác là họ cố ý làm điều mà pháp luật không cho phép.
Chỉ xét riêng hai yếu tố nên trên, tôi đánh giá các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán hay kiểm toán sẽ khó có thể đưa ra nhận định là họ đã tuân thủ về mặt luật định và tuân thủ pháp luật. Còn về mặt nghiệp vụ và các số tiền, số liệu, chứng từ, sổ sách, các ghi chép cụ thể đúng sai tới mức nào thì cần được kiểm tra, xem xét, đối chiếu và so sánh trên cơ sở tuân thủ theo các nguyên tắc và chuẩn mực về kế toán, kiểm toán kể cả về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp có liên quan.
Thế giá trị của báo cáo kiểm toán hay báo cáo kế toán sẽ như thế nào sau khi các công ty kiểm toán đã thực hiện xong dịch vụ của họ cho một số nghệ sĩ làm từ thiện?
- Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Thật ra, các báo cáo này và giá trị của nó chỉ mang tính tham khảo nhất định. Tuy nhiên, nó sẽ góp phần vào việc làm sáng tỏ và minh bạch về các khoản thu chi, các hoạt động sử dụng tài sản, hiện vật trong hoạt động từ thiện của một số các nghệ sĩ nếu những báo cáo của bên thứ ba tham gia cung cấp dịch vụ dạng này đủ cơ sở để tin tưởng. Trong báo cáo đưa ra các kết luận có tính chất hay sai của từng khoản thu và chi, sẽ phụ thuộc vào việc lựa chọn phạm vi gì trong nhóm các dịch vụ về kế toán hay kiểm toán.
Theo Khoản 4. Điều 7 của Luật Kiểm toán độc lập về báo cáo kiểm toán được sử dụng để giúp: Cổ đông, nhà đầu tư, bên tham gia liên doanh, liên kết, khách hàng và tổ chức, cá nhân khác có quyền lợi trực tiếp hoặc liên quan đến đơn vị được kiểm toán xử lý các quan hệ về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan; Cơ quan nhà nước quản lý, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Đơn vị được kiểm toán phát hiện, xử lý và ngăn ngừa kịp thời sai sót, yếu kém trong hoạt động của đơn vị.
Nếu tranh luận vẫn tiếp tục diễn ra về việc liệu công ty kiểm toán có được quyền thực hiện kiểm toán cho cá nhân các nghệ sĩ hay không, dưới góc nhìn của một luật sư, ông có lời khuyên gì?
- Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Nếu còn tranh cãi, các bên có thể làm văn bản gửi Bộ Tài chính, cụ thể là Cục Quản lý, Giám sát Kế toán Kiểm toán - là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập để hỏi xem các cá nhân có phải là đơn vị được kiểm toán, các cá nhân có được ký hợp đồng dịch vụ kiểm toán để thực hiện các dịch vụ theo Điều 40 của Luật Kiểm toán độc lập, và theo các khoản từ Khoản 9 đến Khoản 12, Điều 5 của Luật Kiểm toán Độc lập có liên quan đến kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động và báo cáo kiểm toán hay không.
Xin trân trọng cám ơn luật sư!