Luật không chuẩn, sẽ “lỗi hệ thống”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã khai mạc và cho ý kiến...

Kinhtedothi - Ngày 15/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã khai mạc và cho ý kiến vào báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật (sửa đổi); Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Hướng tiếp cận không chuẩn

Cho ý kiến vào Dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật (sửa đổi), nhiều ĐB cho rằng cần xác định cách tiếp cận khi xây dựng luật này, vì đây là luật để làm luật. Đặt vấn đề tại sao một luật như một công cụ để làm các luật khác mà 5 kỳ họp Quốc hội từ khóa IX đến giờ (khóa XIII) đã 4 lần phải sửa, ĐB Trần Du Lịch (Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) thẳng thắn: Hướng tiếp cận khi xây dựng luật này đã không chuẩn, điều đó dẫn đến "lỗi hệ thống" trong việc làm luật, quy phạm pháp luật nói chung.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị.  	Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Ngoài ra, Dự Luật vẫn chưa giải quyết được những mâu thuẫn, bất cập đặt ra về thẩm quyền và quá trình lập quy của các cơ quan dưới Quốc hội. Nguyên tắc cơ bản cần xác định thì lại vẫn… mù mờ. "Những luật cụ thể khác chỉ sửa một hai điều thì ảnh hưởng nhỏ nhưng luật này không đúng sẽ dẫn đến lỗi hệ thống. Chúng ta phải xây dựng luật theo nguyên tắc Bộ luật phải ưu tiên hơn luật chuyên ngành, nhưng chúng ta bây giờ lại để luật chuyên ngành ngồi ở trên và dẫn đến rối loạn. Cho nên luật của chúng ta chưa kịp ban hành ra đã thấy không thi hành được, không phù hợp và rối loạn"" - ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh và cho rằng nếu chưa giải quyết được một loạt vấn đề thì không nên ban hành vội.

ĐB Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) cho rằng: Việc sửa luật chưa khắc phục được căn bản hạn chế về lập pháp hiện nay. Đã đến lúc không giao bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chỉ Chính phủ thôi, nếu không có nguy cơ không khắc phục được tình trạng lâu nay. Còn ĐB Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, phải quy định rõ từ khâu soạn thảo, thẩm định đến khi đưa ra Quốc hội quyết định. "2 năm nay có nhiều thông tư gây phản ứng dữ dội có yếu tố từ tính khách quan của quy trình thẩm định. Do đó, cần xây dựng bộ phận phản biện độc lập với thông tư của các bộ, ngành và có thể giao cho Bộ Tư pháp để tránh vừa đá bóng vừa thổi còi" - ĐB Nga đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Bây giờ quá nhiều văn bản được ban hành,  chồng chéo khó thi hành, người dân khó biết. Vậy phải quy định rõ trong Dự Luật này, giao Chính phủ ban hành cái gì theo đúng quy định của Hiến pháp, để từ đó Chính phủ giao cho Bộ làm thông tư gì, xã ban hành gì. Không được giao thì không được làm, để khắc phục tình trạng cấp nào cũng làm thông tư. Cùng với đó,  đánh giá tác động khi xây dựng luật, văn bản quy phạm pháp luật cần thực hiện nghiêm túc, đảm bảo khả thi.

Quy định cấp phó trong Luật là cần thiết

Chiều 15/4, thảo luận về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) vấn đề vẫn còn gây nhiều tranh cãi nhất vẫn là quy định về số lượng cấp phó ở các bộ và cơ quan ngang bộ. Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự Luật của UBTV Quốc hội, việc quy định trong Luật số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ là cần thiết. Do vậy, xác định rõ số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là 5, trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; số lượng cấp phó của tổng cục tối đa là 4; số lượng cấp phó của vụ, văn phòng, thanh tra, cục và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 3.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cũng cho rằng: Trước đây, quy định mỗi Bộ có 4 cấp phó, khi nào cần thiết mới tăng do cấp có thẩm quyền quyết định. Vì quy định như thế, nên có Bộ có gần chục cấp phó. Do đó, ngoài Bộ Công an và Bộ Quốc phòng được quy định là 5 cấp phó, thì mỗi Bộ chỉ cần 4 cấp phó, Tổng cục là 3, các vụ, viện là 2 cấp phó…

Qua nhiều lần thảo luận, dù còn ý kiến khác nhau, UBTV Quốc hội đã đồng ý quy định thêm hai thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ vào Dự Luật đó là thẩm quyền giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm. Hai là tạm thời giao quyền chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư trong trường hợp chưa bầu được chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Theo ý kiến của UBTV Quốc hội, việc quy định hai thẩm quyền của Thủ tướng nêu trên là cần thiết để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn quản lý Nhà nước và xã hội, bảo đảm hoạt động của Chính phủ có hiệu lực và hiệu quả, vì vậy đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung quy định này.