Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật sư gỡ tội cho “ông trùm” đường dây đánh bạc Nguyễn Văn Dương như thế nào?

Đạt Lê - Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/11, TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục xét xử phiên sơ thẩm vụ án đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ liên quan đến 2 cựu tướng công an tiếp tục với phần tranh tụng. Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Dương, mức án đề nghị của Viện Kiểm sát (VKS) là quá nghiêm khắc.

Vì sao “ông trùm” bị đề nghị mức án cao nhất?
Trước đó, chiều 21/11, đại diện VKS đọc bản luận tội cho biết, Nguyễn Văn Dương hoàn toàn nhận tội, phạm 2 tội “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền” là người cầm đầu nhóm tổ chức đánh bạc ở CNC gây hậu quả nghiêm trọng, từ đây nảy sinh nhiều tội phạm khác, làm tha hóa cán bộ, thu lời bất chính hơn 1.600 tỷ đồng, sau đó Dương đã rửa tiền. Hành vi của Dương cấu thành tội “Tổ chức đánh bạc”, “Rửa tiền”.
Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Dương 2 tội “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền” với mức án 8 - 9 năm tù cho tội "Tổ chức đánh bạc", 3 - 4 đến năm tù về tội "Rửa tiền", tổng 11 - 13 năm tù; đề nghị thu hồi hơn 1.600 tỷ mà Dương hưởng lợi bất chính và các tài sản phạm tội khác.
Luật sư Trần Hồng Phúc tại phiên tòa.
Tại tòa ngày 22/11, Luật sư Nguyễn Chiến (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Dương) nói: "Mong HĐXX xem xét về tội "Tổ chức đánh bạc" của Nguyễn Văn Dương, ban đầu ý tưởng thành lập công ty CNC là công ty bình phong của C50 không phải do Dương. Khi thành lập, CNC cũng mong phục vụ công tác nghiệp vụ của C50 chứ không có ý đồ để tổ chức đánh bạc.
Về tội "Rửa tiền" đối với bị cáo Dương, Luật sư Nguyễn Chiến cho rằng, đây là tội mới được pháp luật quy định và bản thân thân chủ của mình cũng trình bày rất hạn chế hiểu biết về tội danh này. “Thân chủ của tôi cũng rất thành khẩn khai báo với cả 2 tội danh này, mong HĐXX xem với mức án mà VKS đề nghị", luật sư Chiến trình bày.
Là người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Dương, Luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, việc thân chủ của bà bị đề nghị mức án cao nhất (11 - 13 năm tù) cần phải xem xét lại. Luật sư Phúc khẳng định, việc Dương làm việc theo dạng công ty bình phong cho C50 được nhiều người biết. Những gì Dương làm là theo sự chỉ đạo của Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh chứ không phải tự ý làm.
Luật sư Phúc trình bày, Dương chỉ là chủ tịch một công ty bình thường thì không bao giờ có chuyện được đề xuất tuyển vào ngành công an. Cụ thể, ngày 17/3/2016, Dương làm đơn xin vào ngành công an gửi ông Nguyễn Thanh Hóa (Cục trưởng C50). Một ngày sau, ông Hóa ký công văn gửi ông Phan Văn Vĩnh đề xuất tuyển Dương vào ngành. Việc này đã được cơ quan điều tra và chính ông Vĩnh xác nhận.
Quang cảnh phiên tòa sáng 22/11. Ảnh: Đông Phong.
Luật sư Phúc trình bày, với tội danh tổ chức đánh bạc, mức đề xuất của VKS đối với bị cáo Dương “quá nghiêm khắc, thực sự vừa khác biệt, vừa cách biệt tại phiên tòa này” nếu so sánh với các bị cáo khác có cùng tội danh như bị cáo Dương...
Đại diện VKS đồng ý với quan điểm của luật sư về việc Công ty CNC là công ty bình phong của Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghê cao (C50 - Bộ Công an) từ giai đoạn 2011 đến tháng 8/2016.
Phản biện lại vấn đề luật sư bào chữa cho rằng mức án của bị cáo Dương cao hơn cả bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa và Phan Sào Nam, đại diện VKS cho rằng, quá trình điều tra Nguyễn Văn Dương mới chỉ nộp được số tiền khắc phục hậu quả hơn 240 tỷ đồng, tương đương 15%. Trong khi đó, bị cáo Phan Sào Nam đã nộp số tiền khắc phục đạt 90,7%. Nam có đóng góp trong quá trình công tác, được Thủ tướng và Bộ TTTT tặng Bằng khen lúc chưa phạm tội. Ngoài ra, bị cáo Nam tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra, vì vậy được hưởng 4 tình tiết giảm nhẹ.
Đại diện VKS khẳng định, Dương giữ vai trò là người cầm đầu, còn Phan Sào Nam khởi xướng. Trong quá trình điều tra, Dương không phải tự nguyện nộp hơn 240 tỷ đồng; nhà ở tầng 4, 5 của Công ty CNC không thể bán được nên mới kê biên, sau đó gia đình tự nguyện khắc phục.
Đề nghị xem xét trách nhiệm nhà mạng
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ, tổng số tiền các nhà mạng được hưởng trong vụ án đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ nói trên là hơn 1.200 tỷ đồng. Trong đó, Viettel hưởng hơn 913 tỷ đồng, VinaPhone hưởng hơn 147 tỷ đồng; MobiFone hưởng hơn 171 tỷ đồng. Cơ quan công tố xác định đây là số tiền thu lời không chính đáng đã được chứng minh là nguồn gốc tiền do đánh bạc mà có, nên việc hưởng lợi của các nhà mạng là không có căn cứ pháp lý, vi phạm khoản 1 Điều 10 Nghị định số 25/2011. Do vậy, cơ quan này đề nghị áp dụng điểm b khoản 1 Điều 41 BLHS năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009 để truy nộp ngân sách nhà nước. Tổng số tiền phải truy thu của 3 nhà mạng theo cáo trạng là hơn 300 tỷ đồng. Trong phần tranh luận, đại diện VKS chỉ đề nghị truy thu hơn 100 tỷ đồng.
Luật sư Trần Hồng Phúc, người bào chữa cho Nguyễn Văn Dương, ngoài việc đề nghị HĐXX giảm nhẹ tối đa trách nhiệm hình sự đối với thân chủ còn cho rằng cần phải xử lý trách nhiệm của các nhà mạng trong vụ án này.
Bị cáo Nguyễn Văn Dương ngồi ở hàng ghế sáng 22/11. Ảnh: Đông Phong.
Theo Luật sư Phúc, đa số người chơi bạc sử dụng hình thức thẻ cào viễn thông (Viettel, VinaPhone, MobiFone) để đăng nhập vào hệ thống trò chơi do Công ty Nam Việt quản lý để đổi lấy Rik. Do sự quản lý lỏng lẻo của các nhà mạng để cho công ty trung gian thanh toán lại kết nối với nhà mạng nhằm gạch thẻ, điều đó chứng minh nhà mạng đang thu mua lại chính thẻ do mình phát hành ra.
Nữ luật sư nêu vấn đề: “Nếu các nhà mạng không cho phép gạch thẻ cào viễn thông của mình thanh toán cho các dịch vụ game thì không có việc dùng thẻ điện thoại đổi Rik chơi game. Nhà mạng chỉ có thể cho gạch thẻ vào dịch vụ viễn thông của chính nhà mạng, nay lại cho thanh toán nội dung số của các game khác với phạm vi dịch vụ viễn thông của mình nên có phần lỗi của nhà mạng”.
Vị luật sư cho hay, đại diện VKS cho rằng, các cổng trung gian thanh toán như của CNC là để “nuôi sống con game” nhưng chúng tôi cho rằng các cổng này không nuôi sống được, sẽ chết nếu không cho gạch thẻ cào viễn thông. Bản chất cổng CNC chỉ là cổng chuyển tiếp gạch thẻ, do không kết nối trực tiếp với nhà mạng nên không gạch thẻ được.
Luật sư Phúc còn dẫn lại thông tin từ truyền thông về hội nghị giao ban quản lý tháng 4/2018 của Bộ Thông tin và Truyền Thông. Cục Viễn thông được yêu cầu phải hoàn thành Đề án quản lý thẻ cào di động trong thanh toán dịch vụ nội dung số và báo cáo lãnh đạo Bộ trước ngày 15/5/2018. Sau đó, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về biện pháp quản lý thẻ cào di động… Động thái này cho thấy quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông có những lỗ hổng, khiếm khuyết và cơ quan quản lý nhà nước phải đi vào hoàn thiện hành lang pháp lý mà cụ thể là các biện pháp quản lý thẻ cào.
Do đó, cần đánh giá nhìn nhận “nhân văn”, có tình có lý đối với trách nhiệm hình sự của các bị cáo, trong đó có Nguyễn Văn Dương phạm tội liên quan đến game online trái phép trong bối cảnh thiếu khuyết về hành lang pháp lý liên quan trực tiếp đến việc sử dụng thẻ cào viễn thông vào game bài...