Góc tiếp cận nông nghiệp mới
Không chỉ tại Hà Nội mà trên phạm vi cả nước, nông nghiệp vẫn luôn được xem là trụ đỡ của nền kinh tế. Là Thủ đô, nhưng diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội hiện vẫn chiếm tới 70% tổng diện tích đất tự nhiên; tỷ lệ dân số nông thôn chiếm đến 1/2 tổng dân số.
Những yếu tố trên cho thấy, dù đô thị hoá, công nghiệp hoá của Hà Nội đang diễn ra với tốc độ rất nhanh, nhưng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới như thế nào để vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân, vừa gìn giữ, bảo tồn và phát huy được các nét văn hoá truyền thống là vấn đề rất quan trọng.
Cũng bởi sự cần thiết đó mà lần đầu tiên vấn đề nông nghiệp, nông thôn được Quốc hội đề cập thành một điều riêng (Điều 32) trong Luật Thủ đô sửa đổi. Điều 32 đã đề cập đến những vấn đề cơ bản trong định hướng chung phát triển nông nghiệp, nông thôn; nhất là các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND, UBND TP Hà Nội. Điều này hứa hẹn tạo động lực mới cho phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới.
TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) đánh giá, Luật Thủ đô sửa đổi được thông qua nhấn mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái của Thủ đô thực hiện theo mô hình nông nghiệp bền vững, chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội.
“Cá nhân tôi nhìn nhận đây là cách đặt vấn đề mới, thoát ra khỏi cách nhìn nhận nông nghiệp phiến diện dưới khía cạnh kinh tế và nông thôn bằng con mắt xã hội; vượt qua những ràng buộc của định hướng lo tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn xưa nay của mọi địa phương, thay vào đó là chuyển hẳn sang phát triển bền vững các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung…” - TS Đặng Kim Sơn bày tỏ quan điểm.
Hình thành đội ngũ “công nhân nông nghiệp”
Những nội dung được quy định trong Luật Thủ đô sửa đổi được nhiều chuyên gia, nhà quản lý đánh giá là sẽ góp phần định hướng lại sản xuất nông nghiệp của Thủ đô theo hướng phát triển như một ngành kinh tế hoàn chỉnh, tạo ra các sản phẩm vừa có chất lượng, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm và cho hiệu quả kinh tế cao.
“Nếu không sớm xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Nội sẽ dễ dẫn tới sự phát triển không bền vững, thiếu bản sắc; đặc biệt là có thể làm biến mất đi nhiều giá trị vật chất và văn hóa truyền thống, vốn được xem là của cải” - PGS.TS Chu Tiến Quang - nguyên Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương).
Để phát triển một nền nông nghiệp như vậy, PGS.TS Chu Tiến Quang - nguyên Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), cho rằng không thể tiếp tục phương thức sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán hiện nay. Việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái và gắn với nhu cầu thị trường là đòi hỏi cấp thiết đặt ra.
Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Nội vừa truyền thống, vừa hiện đại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ giúp định hình nông nghiệp Thủ đô mà còn tạo động lực thu hút các nguồn lực: vốn đầu tư, công nghệ và nhân lực của các tổ chức, cá nhân tham gia vào phát triển lĩnh vực này trong những năm tới.
Ở khía cạnh khác, TS Đặng Kim Sơn nhìn nhận, trong xu hướng đô thị hoá ngày một mạnh mẽ, phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội cần tạo dựng một vị thế khác biệt, đóng vai trò là động lực thúc đẩy cho các tỉnh, TP xung quanh, nhất là trên khía cạnh khoa học và công nghệ - yếu tố vốn là thế mạnh của Thủ đô. Xác định tài nguyên quan trọng nhất của nông nghiệp, nông thôn là con người có kỹ năng và trí tuệ, chứ không còn là sức lao động giản đơn.
Trên cơ sở Luật Thủ đô sửa đổi, Hà Nội cần nghiên cứu, đề xuất được các chính sách rất rõ nét và mạnh mẽ. Trong nông nghiệp, phải phát triển khoa học - công nghệ nhằm tạo ra hệ thống sản phẩm có giá trị đặc biệt cao phục vụ cho nhu cầu cả nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp, an toàn. Trong phát triển nông thôn, cần đảm bảo thu hẹp khoảng cách thu nhập nông thôn - thành thị, tạo môi trường phát triển nông thôn hài hòa, lấy đô thị hóa làm trọng tâm.
Cũng chung quan điểm với TS Đặng Kim Sơn, GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam kiến nghị TP Hà Nội cần chú trọng đến yếu tố con người, có những giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, TP Hà Nội cần đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu từng đối tượng, hình thành và phát triển đội ngũ “công nhân nông nghiệp”; đồng thời hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô.
Vận dụng hiệu quả cơ chế “thử nghiệm có kiểm soát”
Điều 25 trong Luật Thủ đô sửa đổi cho phép tiến hành các “thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc quy định hiện hành của pháp luật không còn phù hợp”.
Theo TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), quy định này cho phép bảo vệ các đối tượng được lựa chọn tránh khỏi những rủi ro như khi tiến hành vượt rào đổi mới trước đây, hoặc trong quá trình chấn chỉnh lại kỷ cương hiện nay. Điều này đòi hỏi các cấp lãnh đạo và cán bộ, cơ quan quản lý của TP Hà Nội có đủ công tâm và năng lực để chọn “đúng người, đúng việc”, tạo nên những mũi nhọn đột phá thành công như TP Hồ Chí Minh thời kỳ đổi mới thập kỷ 1980.