Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật Tiếp cận thông tin: Nhiều thông tin phải công khai

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin nào thì cơ quan nhà nước phải công khai? Đây là câu hỏi đặt ra với nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khi Luật Tiếp cận thông tin chuẩn bị có hiệu lực thi hành.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa, Luật Tiếp cận thông tin gồm 5 Chương 37 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc xác định phạm vi thông tin được tiếp cận, Luật phân định rõ thông tin công dân được tiếp cận, không được tiếp cận và thông tin được tiếp cận có điều kiện.

Người dân tham khảo thông tin trên bảng thông báo của phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Ảnh: Chiến Công

 Để tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, Luật Tiếp cận thông tin quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước công bố, công khai rộng một số loại thông tin nhất định trên trang/cổng thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng và đăng Công báo, niêm yết. Việc công khai thông tin một cách chủ động và tích cực sẽ làm giảm gánh nặng hành chính của việc trả lời những câu hỏi và yêu cầu thông thường, bởi các tài liệu được công khai rộng rãi càng nhiều thì số lượng các yêu cầu tiếp cận thông tin sẽ càng giảm đi. Theo đó, Luật quy định các thông tin phải được công khai tại khoản 1 Điều 17 bao gồm: Văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước; Thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước; Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung và kết quả trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nhà nước mà đưa ra lấy ý kiến Nhân dân theo quy định của pháp luật…
Bên cạnh đó, chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương; quy hoạch ngành, lĩnh vực và phương thức, kết quả thực hiện; chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của cơ quan nhà nước; Thông tin về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN); báo cáo tình hình thực hiện NSNN; quyết toán NSNN; dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn NSNN; thủ tục NSNN cũng là thông tin phải công khai.
Ngoài ra, thông tin về phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ phi chính phủ theo quy định; thông tin về quản lý, sử dụng các khoản cứu trợ, trợ cấp xã hội; quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân, các loại quỹ; Thông tin về danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công… cũng nằm trong quy định cơ quan nhà nước phải công khai thông tin.
Nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc chủ động công khai các thông tin, từ đó sẽ giảm tải cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân, giảm chi phí hành chính cũng như chi phí tiếp cận thông tin cho người dân, Luật cũng quy định: Ngoài danh sách các thông tin phải công khai nêu trên, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước chủ động công khai thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ; Luật cũng quy định các thông tin cụ thể bắt buộc phải đăng tải trên trang thông tin/cổng thông tin điện tử để người dân thuận lợi khi tiếp cận và giảm chi phí tiếp cận thông tin cho công dân, giảm chi phí hành chính. Tuy nhiên, cần lưu ý là các thông tin được đăng tải trên trang thông tin/cổng thông tin điện tử phải luôn được cập nhật để bảo đảm tính chính xác.