Luật Viễn thông (sửa đổi): Cần quy định đảm bảo bí mật thông tin khách hàng

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Ngày 22/6, thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), các đại biểu bày tỏ quan tâm đến vấn đề bảo mật thông tin, bảo vệ quyền lợi của khách hàng, vấn đề dừng cung cấp dịch vụ viễn thông, chấm dứt hợp đồng...

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Đoàn tỉnh Bắc Giang)
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Đoàn tỉnh Bắc Giang)

Đề nghị đưa ứng dụng QR Code vào quản lý

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Đoàn tỉnh Bắc Giang) đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ dịch vụ ứng dụng QR Code là một dịch vụ viễn thông cần được quản lý. Theo đại biểu, lý do bởi ứng dụng QR Code ngày càng trở nên phổ biến và quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực, từ quản lý nhà nước, trong kinh tế, trong thương mại cũng như trong tài chính, ngân hàng, đặc biệt là trong chuyển đổi số.

Ở Việt Nam, Chính phủ đã có có mục tiêu đến năm 2025, mỗi một cá nhân sẽ có một QR Code định danh và mang đầy đủ các thông tin liên quan đến cá nhân đó. Trong khu vực ASEAN thì QR Code trong thanh toán đã được thực hiện liên thông giữa nhiều quốc gia, Việt Nam, chúng đã có liên thông với Thái Lan.

"Những chủ phát triển ứng dụng này có thể biết được rất nhiều dữ liệu từ việc thời điểm đi, đến, thời điểm sử dụng khu vực nào, vị trí nào, các dòng thông tin đi qua đó. Vì vậy vấn đề này là rất cần thiết phải được quản lý", đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu.

Lý do tiếp theo đại biểu cho rằng, QR Code xét cho cùng vẫn là một ứng dụng dựa trên nền tảng mạng viễn thông nên nó sẽ là một loại dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng. Đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật nên có một mục nêu rõ vấn đề này, nên đề cập đến việc dịch vụ cung ứng ứng dụng QR Code cần được quản lý.

Còn đối với nghị định, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề xuất sẽ phân loại những loại ứng dụng QR Code nào thì Nhà nước quản lý, mức độ nào. Tùy theo vào tính chất về dữ liệu thông tin mà mã QR Code đó theo phạm vi trong nước và quốc tế.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn tỉnh Bình Định)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn tỉnh Bình Định)

Quan tâm đến quyền lợi khách hàng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn tỉnh Bình Định) nêu: Tại Điều 25 quy định "doanh nghiệp viễn thông không được từ chối giao kết hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, trừ các trường hợp sau" và có ghi 4 trường hợp. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chỉ nên quy định doanh nghiệp viễn thông được phép từ chối giao kết hợp đồng, dự thảo luật không nên quy định doanh nghiệp được đơn phương chấm dứt hợp đồng. Những trường hợp doanh nghiệp được đơn phương chấm dứt hợp đồng thì nên được quy định trong hợp đồng khi doanh nghiệp viễn thông ký kết với cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ viễn thông.

Đại biểu phân tích, hàng hóa dịch vụ khác khi bị tạm dừng thì khách hàng có thể tìm kiếm hàng hóa, dịch vụ thay thế khác trong một khoảng thời gian mà không ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu dịch vụ viễn thông bị ngừng trong một thời gian thì thiệt hại về nhiều mặt về kinh tế - xã hội, trong sinh hoạt, công việc, học tập là rất lớn. Vì vậy, quy định trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng khi cung cấp dịch vụ viễn thông là không khả thi về kinh tế, kỹ thuật tại khoản 3 Điều 25 là chưa hợp lý.

"Thực tế, vào ngày lễ, Tết mạng bị nghẽn mạch, hệ thống quá tải thì người dân cũng thông cảm và xem đây như là trường hợp bất khả kháng nhưng không khả thi về kinh tế mà dừng dịch vụ thì chưa công bằng với người đã ký kết hợp đồng dịch vụ viễn thông với nhà cung cấp", đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu.

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Bổ sung quyền của doanh nghiệp viễn thông

Thảo luận về dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Đoàn tỉnh Tuyên Quang) cho biết, tại điểm b khoản 4, Điều 6 quy định các doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông để phục vụ cho các công việc tính giá cước, lập hóa đơn và ngăn chặn các hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.  

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung giải pháp để bảo đảm bí mật thông tin của các tổ chức, cá nhân trong trường hợp các doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông (để phục vụ cho việc tính giá cước, lập hóa đơn và ngăn chặn hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng).

"Khi các doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc trao đổi, cung cấp thông tin của người dùng thì các văn bản đó phải được thông báo tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Quy định như vậy bảo đảm chặt chẽ, tránh trường hợp các doanh nghiệp viễn thông liên kết với nhau làm ảnh hưởng đến bí mật thông tin của người dùng", đại biểu Ma Thị Thúy phân tích.

Về quyền và nghĩa vụ của đại lý viễn thông, đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Đoàn tỉnh Quảng Nam) đề nghị bổ sung quy định về quyền các dịch vụ viễn thông tại khoản 1 Điều 14 được phép kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an để phục vụ cho công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao, phù hợp với tình hình thực tế mà Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp triển khai, giúp khắc phục tình trạng SIM rác, SIM nặc danh được sử dụng thiếu sự quản lý và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường

Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước (Đoàn tỉnh Kon Tum) đề xuất bổ sung quy định doanh nghiệp viễn thông được chia sẻ, cung cấp thông tin thuê bao cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý mà không cần phải có sự đồng ý của chủ thuê bao.

Đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định như trên sẽ thuận lợi cho việc xác minh danh tính và thông tin của người sử dụng dịch vụ viễn thông, tăng cường khả năng kiểm soát và ngăn chặn các hành vi lợi dụng dịch vụ viễn thông để gây rối an ninh, trật tự, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc hoặc vi phạm pháp luật. Đồng thời, nâng cao hiệu quả của việc triển khai và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần chuyển đổi số, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở nước ta.