Lùm xùm bản quyền "Giấc mơ trưa của" Giáng Son: VCPMC phản bác BH Media

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến việc nhạc sĩ Giáng Son, tác giả ca khúc “Giấc mơ trưa” bị cảnh báo vi phạm bản quyền trên YouTube, theo Trung tâm Trung tâm Bảo vệ bản Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC), thông cáo báo chí của BH Media đưa ra tại cuộc họp (ngày 27/10) có những sai sót nghiêm trọng, ảnh hưởng tới các tác giả âm nhạc là thành viên của Trung tâm, đồng thời không phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.

Mập mờ khái niệm bản quyền tác giả và bản quyền ghi âm

Vừa qua, BH Media tổ chức buổi họp báo với nội dung “Bản quyền âm nhạc trên môi trường số” và phản hồi về vụ việc liên quan đến bản quyền ca khúc “Giấc mơ trưa” của nhạc sĩ Giáng Son. Theo thông cáo báo chí của BH Media, nhạc sĩ Giáng Son đã hiểu lầm về bản quyền trên Youtube, bởi bản ghi “Giấc mơ trưa” của Giáng Son tải lên giống với bản ghi “Giấc mơ trưa” của nghệ sĩ Dương Thuỳ Anh đã tải lên trước đó.

 Tổng Giám đốc BH Media Nguyễn Hải Bình chia sẻ tại buổi họp báo. Ảnh: Lại Tấn.

Khi phát hiện bài hát của Giáng Son được đăng tải, cơ chế quét bản quyền tự động của Youtube sẽ so sánh, đối chiếu, gửi “thông báo xác nhận bản quyền” tới nhạc sĩ Giáng Son. Thông báo này nhằm để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền, không làm ảnh hưởng đến quyền đăng tải bản ghi của Giáng Son. Chỉ cần nhạc sĩ Giáng Son làm thao tác phản hồi, chủ sở hữu bản ghi sẽ xác minh và gỡ xác nhận bản quyền khỏi video.

Sau đó, VCPMC đã có văn bản phản bác các luận điểm BH Media đưa ra trong cuộc họp báo. Trong văn bản gửi báo chí, VCPMC khẳng định những nội dung trong thông cáo báo chí của BH Media có nhiều sai sót nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới các tác giả âm nhạc là thành viên của Trung tâm, đồng thời không phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.

Diễn giải về quan điểm này, VCPMC nhận định: Từ đầu đến cuối thông cáo luôn sử dụng những thuật ngữ không được quy định trong Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam là “bản quyền”, “quyền bản ghi” gây hiểu lầm cho người đọc. Trong khi mục đích cuộc họp báo là để tránh hiểu lầm trong sự việc nhạc sĩ Giáng Son sử dụng tác phẩm và bản ghi âm ghi hình của chính mình trên YouTube nhưng bị BH Media xác nhận chủ sở hữu.

Bên cạnh đó, VCPMC nhận xét, việc BH Media cho rằng trên YouTube có nhiều bản ghi “Giấc mơ trưa” của nhiều chủ sở hữu khác nữa trong khi thực tế tác giả Giáng Son chưa từng chuyển nhượng, bán độc quyền tác phẩm này cho ai cũng hoàn toàn sai so với quy định của pháp luật Việt Nam.

Cụ thể, khoản 2, Điều 6, Luật Sở hữu trí tuệ quy định, quyền liên quan chỉ phát sinh “Kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá, được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả". Ngoài Giáng Son hoặc người được Giáng Son ủy quyền, không có bất cứ cá nhân, tổ chức nào có quyền chủ sở hữu đối với tác phẩm hoặc bản ghi âm ghi hình tác phẩm “Giấc mơ trưa".

Media cho rằng nhiều nghệ sĩ chưa hiểu chính xác. Có nhạc sĩ nghĩ mình là người tạo ra tác phẩm đó nên có quyền 100% đối với những bản ghi âm ghi hình liên quan đến tác phẩm của mình là hoàn toàn sai. Bởi những nhạc sĩ vừa sáng tác vừa đầu tư sản xuất ra bản ghi âm, ghi hình tác phẩm của mình thì nhạc sĩ có 100% quyền tác giả và 100% quyền liên quan đến quyền tác giả.

VCPMC đã gửi công văn mời BH Media làm việc theo đơn đề nghị của nhạc sĩ Giáng Son nhưng tính đến 31/10 VCPMC chưa nhận được phản hồi từ BH Media.

"Chiêu trò" khó lường

Trước đó, chia sẻ trên truyền thông, nhạc sĩ Giáng Son cho biết: "Tôi rất ngạc nhiên, vì tôi không hề ký với Hồ Gươm Audio, cũng không hề ký với BH Media, thậm chí còn không biết BH Media là công ty nào, ở đâu? Tôi tìm hiểu sự việc và lập tức gọi ngay cho Dương Thùy Anh, chính Dương Thùy Anh là người đã xin bản phối bài “Giấc mơ trưa”. Từ đó nảy sinh, Hồ Gươm Audio và BH Media đang có quyền đối với bản ghi âm “Giấc mơ trưa”, bây giờ là quyền sở hữu với bản ghi âm “Giấc mơ trưa” là sai hoàn toàn".

“Cách đây mấy năm, Hồ Gươm Audio đã bán mấy trăm CD cho BH Media và BH Media khai thác mấy trăm CD và mấy trăm nhạc sĩ, hàng nghìn ca khúc trên các nền tác kỹ thuật số như YouTube mà người chủ sở hữu không biết. Đồng ý là mua nhưng có xác minh được là những ca khúc có quyền hay chưa, hay là tiêu thụ đồ ăn trộm” – nhạc sĩ Giáng Son cho hay.

Có thể nói, việc xâm phạm quyền tác giả âm nhạc diễn ra trên nhiều lĩnh vực với những “chiêu trò” khó lường, đặc biệt là tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên nền tảng công nghệ số. Hiện nay có nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật, đánh tráo khái niệm và sử dụng các chiêu trò lách luật để xâm phạm bản quyền. Nếu không rành rẽ về luật pháp, cũng như không có kiến thức về công nghệ thì các tác giả sẽ là người phải chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần