Giá thịt lợn leo thang từng ngày trong khi chính cơ quan chức năng cũng khẳng định, có hiện tượng DN, tư thương “làm giá” đẩy giá mặt hàng này lên cao.
Nhiều ngày qua, giá thịt lợn “nhảy múa” đã trở thành đề tài nóng hổi được bàn luận từ ngoài chợ đến công sở, từ nông thôn đến thành thị. Ngay cả những bà nội trợ dư dả tiêu xài cũng phải cân nhắc chuyện mua thực phẩm gì về làm bữa cơm cho gia đình bởi thịt lợn cứ mỗi ngày một giá.
Khảo sát mới nhất được Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng như các địa phương báo cáo, giá lợn hơi tại Hà Nội, các tỉnh lân cận và khu vực phía Nam dao động từ 70.000 – 78.000 đồng/kg, tùy theo địa bàn, kéo theo giá thịt lợn bán tại các chợ cũng tăng phi mã, hiện ở mức 130.000 – 170.000 đồng/kg. Đây là mức giá kỷ lục được ghi nhận trong nhiều năm qua của ngành chăn nuôi.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi thừa nhận, giá thịt lợn tăng cao bất thường những ngày qua không phải do thiếu nguồn cung mà do khâu lưu thông và… “thông tin có vấn đề”, đặc biệt có biểu hiện găm hàng, thổi giá.
Câu trả lời “đá bóng trách nhiệm” của lãnh đạo Cục Chăn nuôi không nhận được sự đồng tình của dư luận. Bởi thực tế, câu chuyện điều hành tổ chức sản xuất của ngành chăn nuôi thời gian qua thực sự có vấn đề. Ngay từ đầu năm, khi dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào nước ta và lây lan với tốc độ chóng mặt, bài toán đảm bảo ổn định nguồn cung, giá cả mặt hàng thịt lợn những tháng cuối năm đã được đặt ra.
Thực tế, Bộ NN&PTNT khuyến cáo người chăn nuôi chuyển sang các đối tượng vật nuôi khác như gà, trâu, bò, dê… Tuy nhiên, việc tái đàn lợn và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi lại thiếu kiểm soát dẫn đến tình trạng tăng nóng đàn gia cầm. Hệ lụy là từ cuối quý III/2019, giá gà liên tục giảm sâu xuống mức kỷ lục, chỉ còn 12.000 – 13.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi như “ngồi trên đống lửa”.
Chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019 mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng sốt ruột với biện pháp của Bộ NN&PTNT: “Bộ đã ngồi tính toán cho từng tỉnh tái đàn như thế nào? Cứ nói chung chung tái đàn, sản xuất giờ mới cần bàn tay của Nhà nước”.
Trở lại câu chuyện thịt lợn tăng giá do tư thương thổi giá, găm hàng, ngoài vai trò quản lý điều tiết của các cơ quan quản lý thị trường, việc tổ chức chăn nuôi cũng bộc lộ nhiều yếu kém. Từ hàng chục năm nay, vấn đề đội ngũ trung gian, tư thương hưởng lợi lớn trong khâu phân phối nông sản đã được nhận diện, song đến nay việc tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị còn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, việc Bộ NN&PTNT khuyến cáo người tiêu dùng chuyển đổi cơ cấu thực phẩm từ thịt lợn sang các loại thịt khác và thủy sản cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi trong khẩu vị, thói quen tiêu dùng của người Việt thì thịt lợn chiếm 70% cơ cấu bữa ăn. Như Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nói với lãnh đạo Bộ NN&PTNT: "Không ai gói bánh chưng bằng thịt gà, thịt dê, phải tính kỹ xem Bộ có chủ quan quá không”.
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, mức CPI tháng 11 tăng khoảng 0,8 – 1%, riêng giá thịt lợn tác động đến mức tăng CPI là 0,75%. Không những vậy, việc giá thịt lợn tăng cao còn tạo tâm lý lo lắng đối với người tiêu dùng và gây ra sự bất ổn cho ngành chăn nuôi lợn. Nếu không nhận định đúng tình hình và có giải pháp can thiệp kịp thời, giá cả mặt hàng này còn có thể tiếp tục leo thang.