Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lúng túng việc cấp, đổi phù hiệu “xe hợp đồng”

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi tài xế muốn hành nghề kinh doanh vận tải, đặc biệt là lái xe công nghệ, để được cấp và niêm yết phù hiệu "xe hợp đồng" rất khó khăn. Bởi họ vừa phải mất tiền, thời gian mà chưa chắc đã được hoạt động ngay lập tức.

Xe hợp đồng chạy trên đường Hà Nội. Ảnh: Thành Luân
Nhiều bất cập
Thời gian gần đây, nhiều lái xe có phản ánh về việc một số hợp tác xã vận tải (HTX) trên địa bàn TP Hà Nội thông báo và triển khai việc cấp đổi phù hiệu xe ô tô tại đây được cho là không đúng quy định. Một tài xế công nghệ (xin được giấu tên) thuộc HTX Nam Anh cho biết, xe của anh đang có phù hiệu cũ và khi có yêu cầu về việc đổi phù hiệu thì ngoài bản sao và những giấy tờ cần thiết, được yêu cầu đóng một khoản thu có tên là "phí đổi lại".

"HTX đã yêu cầu tôi mang bản sao của Đăng ký, Đăng kiểm xe, Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc, Giấy phép lái xe... tôi đều thấy hợp lý. Tuy nhiên trong đó lại có một khoản thu tiền 300.000 đồng là "phí đổi lại" làm tôi thấy thắc mắc, khi trước đó đã phải đóng một khoản tiền 700.000 đồng để duy trì hoạt động" - tài xế này cho biết.

Sau khi nộp những giấy tờ cần thiết và đóng khoản phí trên, HTX đã đưa cho anh một tờ biên lai xác nhận đã thu tiền. Khi lái xe hỏi về mục đích thu số tiền trên, đơn vị chủ quản cho biết, khoản thu trên nhằm phục vụ cho việc cấp đổi (chi phí thuê bến bãi, đi lại...). Về việc này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với ông Nguyễn Tuyển - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội. Sau khi nắm bắt được thông tin, ông Nguyễn Tuyển cho biết, thủ tục cấp đổi lại phù hiệu đã được đăng tải trên trang chủ của đơn vị và hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến của Bộ GTVT. Trong đó, Sở GTVT sẽ không thu thêm bất kỳ khoản thu nào khác ngoài tiền mua phôi ấn chỉ là 2.650 đồng/phù hiệu (loại ấn chỉ mới). "Còn việc thu các khoản dịch vụ của HTX với các thành viên không thuộc thẩm quyền của Sở GTVT. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ căn cứ theo nội dung phản ánh để tổ chức kiểm tra, nếu có sai phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật" - ông Nguyễn Tuyển nói.

Ngoài việc thu phí cấp đổi khiến cánh tài xế "bối rối", thì đến lúc niêm yết phù hiệu cũng gặp nhiều khó khăn bởi việc này được thực hiện khi có mặt đại diện 3 bên là nhân viên của Sở GTVT, đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe. Nhưng do nhân sự mỏng, dẫn đến trường hợp dù đã lên lịch, nhưng một trong 2 bên lại vắng mặt, dẫn tới lái xe không được dán, chờ đợi mất rất nhiều thời gian, gây thiệt hại về kinh tế cho lái xe vì họ phải tắt ứng dụng gọi xe trong thời gian này.

Cần sự hỗ trợ

Trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp, những người hành nghề lái xe công nghệ gặp thêm nhiều khó khăn. Chủ tịch Liên minh kinh tế điện tử 4.0 Nguyễn Xuân Tuấn chia sẻ, hiện nay, có tới hơn 50% tài xế công nghệ phải vay vốn ngân hàng. Nếu không có bất cứ rủi ro gì trong cuộc sống và kinh doanh, thì lợi nhuận chỉ vừa đủ để trả lãi và nuôi sống một đến hai người trong gia đình. "Những người làm nghề kinh doanh vận tải là một trong những nghề nguy hiểm nhất, ở họ luôn luôn rình rập rủi ro (tai nạn giao thông, ốm đau, bệnh tật...). Tuy nhiên tất cả lái xe công nghệ đều không được các đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm bảo hiểm cho người lao động mặc dù văn bản pháp luật liên quan đều đã có quy định".

Để giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên khi thực hiện đổi phù hiệu, ông Nguyễn Xuân Tuấn đề xuất các Sở GTVT địa phương nên chăng giao quyền cho đơn vị vận tải được chủ động niêm yết phù hiệu lên xe và thực hiện việc giám sát điện tử qua phần mềm thích hợp theo đúng quy định của pháp luật. "Đây là đề xuất có nhiều lợi ích xã hội theo tinh thần khuyến khích của Chính phủ áp dụng công nghệ 4.0. Việc này sẽ tạo lợi ích cho cả ba bên, tạo lợi ích kinh tế cho đơn vị kinh doanh vận tải, tạo lợi ích và trợ giúp người lái xe trong hoàn cảnh khó khăn trước dịch bệnh Covid-19" - ông Nguyễn Xuân Tuấn cho hay.
Người lao động trong ngành nghề kinh doanh vận tải đầy nguy hiểm lại thêm rủi ro là dịch bệnh Covid-19 làm cho họ trở lên yếu thế hơn nữa trong xã hội. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn họ lại chưa có bất cứ một hỗ trợ xã hội nào như những ngành nghề khác, đây là điều đáng suy ngẫm.

Chủ tịch Liên minh kinh tế điện tử 4.0 Nguyễn Xuân Tuấn