Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị công bố kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức vào sáng 8/8.
Theo đó, cuộc khảo sát do Ban Chính sách – Pháp luật phối hợp Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện. Khảo sát được tiến hành ở 6 tỉnh, chủ yếu ở vùng 1. Số lượng người lao động được khảo sát là 3.000 người.
Kết quả khảo sát cho thấy, trong số gần 3.000 người lao động được khảo sát, có tới 52,3% làm thêm giờ, số tiền nhận được trung bình 1,35 triệu đồng/người/tháng.
So với kết quả khảo sát tháng 3/2022, mức tiền lương cơ bản chỉ tăng 8,4% nhưng mức chi tiêu lại tăng 19%. Điều này dẫn đến việc chỉ có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống.
Có tới 75,5% còn lại nói thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu. Có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu chi tiêu.
Công nhân, lao động cũng không có điều kiện tích lũy. Chỉ 8,1% người lao động có tích lũy từ tiền lương và thu nhập, 11,2% không đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp họ phải làm thêm việc khác kiếm thêm thu nhập.
Có 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% người lao động thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an.
Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Phạm Thị Thu Lan cho biết, tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của 53,7% người lao động và quyết định có con của 72,0% của người lao động động. Có 17,6% người lao động không sống cùng con dưới 6 tuổi và chỉ có 37,7% người lao động động có tiền lương đủ để đảm bảo 100% nhu cầu học tập của con.
Ở góc độ chăm sóc sức khoẻ, có tới 46,5% người lao động chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản để chữa bệnh và còn tới 6,3% cho biết thu nhập hiện tại hoàn toàn không đủ cho họ mua thuốc và khám chưa bệnh và 6,5% người lao động cho biết họ không làm gì cả, vẫn đi làm bình thường và để bệnh tự khỏi…
Với thu nhập và tiền lương như vậy, chỉ gần 30% người lao động hài lòng với tiền lương và thu nhập hiện tại (tăng 9,2% so với khảo sát năm 2022), 56,8% tạm hài lòng (giảm 4,2% so với năm 2022) và không hài lòng là 20,3% (giảm 4,9% so với năm 2022).
12,3% người lao động đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần, số lần rút trung bình là 1,13 lần. Trong đó người rút nhiều nhất 4 lần, người rút thấp nhất 1 lần.
Từ thực tế trên, các công đoàn cơ sở kiến nghị để đảm bảo mức sống tối thiểu cho gia đình, mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2024 cần tăng 11,34%. Thời điểm điều chỉnh cần cân nhắc phù hợp để giảm thiểu tác động đến người lao động và doanh nghiệp.