Luồng gió mới trên quê hương Phù Đổng

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ở phía Bắc huyện Gia Lâm, là quê hương của Đức Thánh Gióng, một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, xã Phù Đổng là một trong những địa phương tiêu biểu của huyện Gia Lâm trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới (NTM). Năm 2020, Phù Đổng là một trong hai xã đầu tiên của huyện Gia Lâm được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là tiền đề để xã tiếp tục phát huy, tiến tới xây dựng thành công NTM kiểu mẫu, hoàn thành các tiêu chí trở thành đơn vị cấp phường.

Lễ hội Gióng đền Phù Đổng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010.(Trong ảnh: Ông Hiệu Chiêng tại Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2019).
Xây dựng thành công NTM nâng cao
Nhanh tay cắt tỉa những cành hoa giấy để chuẩn bị cho một mùa Xuân mới, anh Nguyễn Văn Hạnh, thôn Phù Đổng 1, xã Phù Đổng cho biết, từ năm 2012 đến nay, gia đình anh chuyển sang trồng hoa giấy. Với hơn 2ha đất thuê gom từ người dân địa phương, gia đình anh trồng hàng nghìn gốc hoa với nhiều màu sắc và các kiểu cấy ghép khác nhau. Với giá bán từ 70.000 đồng đến 6 -7 triệu đồng/cây, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu lãi vài trăm triệu đồng, đồng thời tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 nhân công. Trò chuyện với chúng tôi, anh Hạnh phấn khởi nói: “NTM đã thổi một luồng gió tích cực cho người dân địa phương. Sau nhiều năm không thiết tha với đồng ruộng, những năm gần đây, nhiều người đã quay lại bắt đất nở hoa, cuộc sống nhờ thế mà có sự cải thiện đáng kể”. Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng Phùng Xuân Việt cho biết, xác định nhiệm vụ xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, ngay sau khi có sự chỉ đạo của TP và huyện, xã đã khẩn trương triển khai xây dựng Đề án, kế hoạch thực hiện trên địa bàn. Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Huyện ủy - UBND huyện Gia Lâm, sự phối hợp hiệu quả với các phòng ban chuyên môn của huyện, sau gần 10 năm xây dựng NTM và 2 năm xây dựng NTM nâng cao, xã Phù Đổng đã đạt được những kết quả quan trọng.

Giai đoạn 2010 - 2019, với kinh phí được bố trí trên 318 tỷ đồng, toàn bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng và nâng cấp; bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2015, xã Phù Đổng được UBND TP Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn NTM. Không dừng lại ở đó, xã đã tiếp tục thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Sau hơn 2 năm thực hiện Bộ tiêu chí NTM nâng cao tại Quyết định 4212/QĐ-UBND của UBND TP và Hướng dẫn 434/HD-SNN của Sở NN&PTNT, xã đã hoàn thành 19 tiêu chí. Đến nay, 100% đường trục chính, đường liên thôn được cứng hóa bằng bê tông hoặc trải nhựa apphal; 100% đường ngõ xóm trên 2m có điện chiếu sáng. Trạm y tế xã được xây mới, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 100% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia (trong đó trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2); 100% các thôn có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 92,1% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 90,7% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt chuẩn theo QCVN. Tính đến cuối năm 2020, Nhân dân đã chuyển đổi trên 266,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao, trong đó có 87,5ha trồng hoa, cây cảnh; 142,5ha trồng cây ăn quả và 36,5ha chuyển đổi các mô hình VA, VAC. Giá trị thu nhập đối với hoa, cây cảnh đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm, còn đối với cây ăn quả là 350 triệu đồng/ha/năm; toàn xã không còn hộ nghèo....

Kết quả đánh giá, chấm điểm xã NTM nâng cao, xã Phù Đổng có 19/19 tiêu chí đạt, tổng điểm chấm đạt 98,05 điểm. Sau khi hoàn thiện hồ sơ trình TP xem xét, ngày 3/8/2020, xã Phù Đổng đã được UBND TP Hà Nội ban hành quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
 Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng Phùng Xuân Việt (thứ nhất từ phải sang) trò chuyện với nông dân trồng hoa giấy.
Tiến tới NTM kiểu mẫu

Theo Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng Phùng Xuân Việt, những kết quả trong quá trình xây dựng NTM thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng. Để có được kết quả đó, bên cạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền là sự cố gắng, nỗ lực và ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân. Tuy đã về đích NTM nâng cao, song Đảng ủy, chính quyền và Nhân dân xã Phù Đổng cũng không tự thỏa mãn với những kết quả đạt được. "Chúng tôi đã thống nhất quan điểm, xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Chính vì lẽ đó, mục tiêu bao trùm trong giai đoạn tới là Phù Đổng sẽ phấn đấu đạt các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị” – ông Phùng Xuân Việt nói.

Giai đoạn 2020 - 2025, xã Phù Đổng đề ra nhiệm vụ tiếp tục giữ vững NTM nâng cao, xây dựng NTM kiểu mẫu, tiến tới hoàn thiện các tiêu chí thành lập phường. Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng Phùng Xuân Việt cho biết, để thực hiện được mục tiêu đề ra, xã Phù Đổng xác định tập trung vào khâu đột phá là phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với du lịch. Tích cực vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy những lợi thế của địa phương là sản xuất hoa, cây cảnh, chủ lực là cây hoa giấy để xây dựng các mô hình vườn đồng phục vụ du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân. Song song với phát triển kinh tế, xã tiếp tục quan tâm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa mới. Tích cực cải thiện chất lượng môi trường, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân...

Một số chỉ tiêu cụ thể được xã Phù Đổng đề ra từ nay đến năm 2025 là: Thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/người/năm; các chỉ tiêu khác đều đạt cao. Phấn đấu năm 2021, xã hoàn thành công nhận Điểm du lịch Phù Đổng; năm 2022, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về lĩnh vực du lịch; đến hết năm 2023, chuyển đổi 100% diện tích trồng lúa mầu kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả; đồng thời triển khai 1-2 điểm chăn nuôi xa khu dân cư. Đến hết năm 2023, cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn thành lập phường.

Về Phù Đổng hôm nay, không ít người cảm thấy ngỡ ngàng bởi sự thay da đổi thịt của một vùng quê thuần nông vốn mang nhiều nét cổ kính. Nhà cửa khang trang, các công trình hiện đại, đường sá sạch sẽ ngập sắc hoa, ánh mắt người dân tự hào, rạng rỡ... Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương, tin tưởng rằng, các mục tiêu xã Phù Đổng đề ra sẽ sớm trở thành hiện thực.

Trong hai ngày từ 11 - 12/12, tại xã Phù Đổng, UBND huyện Gia Lâm tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Lễ hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2010 – 2020); đón nhận Quyết định công nhận xã Phù Đổng đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và Quyết định công nhận làng nghề hoa giấy Phù Đổng; khánh thành dự án tu bổ, tôn tạo Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng.

Bên cạnh phần lễ, UBND huyện Gia Lâm còn tổ chức phần hội để toàn thể Nhân dân và du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng, bao gồm: Trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm văn hóa du lịch từ các làng nghề nổi tiếng như hoa cây cảnh (xã Phù Đổng), rau an toàn (xã Văn Đức, Đặng Xá), gốm sứ (xã Kim Lan, Bát Tràng), thuốc dược liệu (xã Ninh Hiệp), bún bánh (xã Yên Viên)... Tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống như hát tuồng, quan họ, múa rối nước, múa Ải lao; các hoạt động thể dục thể thao quần chúng.