Lương tăng 400% vẫn khó tuyển người bán hàng giáp Tết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cận Tết, nhu cầu tuyển dụng các vị trí bán hàng, giao hàng mùa vụ của các doanh nghiệp, cửa hàng, siêu thị lên rất cao.

Giống như nhiều năm trước, yêu cầu đối với các nhân viên mùa vụ này khá đơn giản, chỉ cần có lí lịch rõ ràng, tốt nghiệp trung học, nhanh nhẹn, hoạt bát, thông thạo đường (đối với nhân viên giao hàng) và thường ưu tiên sinh viên làm thêm.

Dù dịp Tết năm nay được nghỉ khá dài, nhưng thời điểm "khát" nhân sự mùa vụ nhất vẫn rơi vào khoảng 10 ngày trước Tết, kéo dài từ 20/12 đến 29/12 (Âm lịch). Mức lương dành cho các nhân viên thời vụ này thường không cao, thậm chí thấp hơn nhiều so với Trung thu, chỉ từ 50.000 đồng/h hay 150.000 đồng/ca 2 tiếng.

Thông thường, các vị trí bán hàng, thu ngân chỉ được tuyển dụng theo ca, và trả lương theo giờ. Nếu làm dưới 2 tiếng, lương trung bình của các vị trí này thường dao động từ 60.000 đồng đến 90.000 đồng/h. Nếu làm toàn thời gian (trên 8 tiếng/ngày), nhân viên sẽ được trả 150.000 đồng/ngày công hoặc 40.000 đồng/h làm việc. Mặc dù thấp hơn nhiều so với tiền công tương ứng trong vụ Trung thu vừa qua, nhưng các nhà tuyển dụng cho hay, mức này đã tính cao hơn 400% so với ngày làm việc bình thường.

Các vị trí nhân viên giao hàng, thu ngân, quản kho được tuyển dụng trong cả đợt trước và sau Tết. Mức lương dành cho người làm việc tại vị trí này cũng tốt hơn, thường dao động từ 5-7 triệu đồng/tháng, có phụ cấp xăng xe, ăn đêm tùy công việc.

 
Tiền công trả cho nhân viên bán hàng dịp Tết 2015 chỉ bằng một nửa so với vụ Trung thu. Ảnh: Ngọc Lan.
Tiền công trả cho nhân viên bán hàng dịp Tết 2015 chỉ bằng một nửa so với vụ Trung thu. Ảnh: Ngọc Lan.
Tuy nhiên, thời gian làm việc cũng kéo dài hơn, từ 7h sáng đến sau 17h chiều, hoặc làm vào khung giờ đặc biệt từ 21h đêm đến 6h30 sáng. Đăng ký tuyển 20 nhân viên giao hàng và quản kho cho những ngày giáp Tết từ đầu tháng 1, nhưng anh Nguyễn Duy Hoàng, chủ một doanh nghiệp bán lẻ tại Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội vẫn không thể tuyển đủ số lượng mong muốn.

"Dù được trả phụ cấp tiền xăng xe mỗi ngày, nhưng ít lao động chấp nhận ký hợp đồng cả tháng. Họ thích nhận lương theo ngày, 150.000 đồng tiền công và 50.000 đồng phụ cấp, để tranh thủ làm thêm cho nhiều đơn vị khác trong khi đi giao nhận hàng cho công ty.

Sau Tết, lượng người làm thời vụ cũng hiếm, mà giá nhân công đầu năm bao giờ cũng tăng, nên người lao động chỉ thích làm ngắn ngày, để được điều chỉnh lương tùy theo nhu cầu thị trường, khiến mình rất khó có đủ người khi cần. Nhân viên giao hàng tìm đã khó, tuyển quản kho qua Tết còn khó hơn, vì lương đòi trả rất cao, có khi lên tới 500.000 đồng hay cả triệu một ngày công", anh Hoàng chia sẻ.