Lương tối thiểu đang tiệm cận mức sống tối thiểu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiền lương tối thiểu (TLTT) tăng nhanh nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình - đó là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội tại hội thảo Tiền lương tối thiểu và an sinh xã hội diễn ra sáng 16/9.

Lương tối thiểu đang tiệm cận mức sống tối thiểu - Ảnh 1Trao đổi với Kinh tế & Đô thị khi đánh giá thực tế đời sống của người lao động (NLĐ), PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, dù đã tăng lương, nhưng nhìn chung mới tiệm cận mức sống tối thiểu.

Tiền lương tối thiểu tăng nhanh hơn lương trung bình

 Bà đánh giá thế nào về tương quan giữa tăng TLTT hàng năm với tốc độ giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế?

- Có một điều đáng chú ý là tốc độ tăng TLTT luôn cao hơn so với tăng giá cả sinh hoạt (CPI) và tăng trưởng kinh tế (GDP). Cụ thể, giai đoạn 2009 - 2015, tốc độ tăng TLTT vùng nhanh hơn rất nhiều so với mức tăng của CPI và GDP. Tương ứng là 26,94%/năm, cao hơn 4,63 lần so với tốc độ tăng GDP và 3,31 lần so với tốc độ tăng CPI. Theo đánh giá của các nhà kinh tế, mối tương quan này khiến cho sức cạnh tranh của người dân Việt Nam bị kém đi.

Bà có nói TLTT tăng nhanh nhưng thực tế lương chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ?

- Vừa rồi, chúng tôi có làm cuộc nghiên cứu, khảo sát về TLTT, kết quả khẳng định như vậy. Đặc biệt, trong năm 2010 và 2011 khi chỉ số giá tăng cao, mức lương tối thiểu vùng quy định chỉ đáp ứng khoảng 47% nhu cầu tối thiểu của NLĐ. Trong những năm gần đây đã đáp ứng lên tới 80% nhu cầu mức sống tối thiểu của NLĐ.

Nhìn chung, mức chênh lệch TLTT và tiền lương trung bình giảm dần qua các năm. Nói cách khác là TLTT tăng nhanh hơn tiền lương trung bình. Nếu như năm 2008, TLTT chỉ bằng 25,71% tiền lương trung bình nhưng đến năm 2015 đã gia tăng nhanh chóng lên tới 56,27%. Điều này cho thấy, nhóm người yếu thế trong thị trường lao động đã được bảo vệ tốt hơn. Và so sánh với quốc tế, mức dao động của TLTT/tiền lương trung bình nằm trong phạm vi an toàn cho phép. Tuy nhiên, xét về mức độ bao phủ của TLTT đối với người làm công ăn lương thì tỷ lệ người có mức tiền lương từ công việc thứ nhất bằng và dưới mức tiền lương khá cao. Không những thế, có xu hướng tăng lên rất nhanh, từ 4,93% năm 2004 lên 13,37% năm 2014, trong đó, số người hưởng đúng mức TLTT quy định chiếm từ 2,15% lên 5,87% trong cùng thời kỳ.

Trả lương theo giờ, bất lợi cho một số lao động

Việc điều chỉnh TLTT có tác động như thế nào, nhất là đối với an sinh xã hội, thưa bà?

 - Đến nay, Việt Nam đã trải qua 3 lần thương lượng tiền lương. Theo báo cáo của các DN, tác động của việc điều chỉnh TLTT có ảnh hưởng đến tổng cầu việc làm, đặc biệt là nhóm DN dệt may, da giày. Theo tính toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu chi phí lao động tăng lên 1% thì nhu cầu lao động sẽ giảm đi 0,175%. Khi tuân thủ các quy định của Việt Nam, tỷ lệ chủ sử dụng lao động phải đóng các khoản an sinh xã hội rất cao, gần 31% mức tiền lương thực lĩnh. Do vậy, các DN sẽ trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và các khoản chi phí khác để bù vào các khoản chi phí phát sinh có liên quan đến sinh hoạt.
Người lao động làm việc tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh: Chiến công
Người lao động làm việc tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh: Chiến công
Cũng theo tính toán của VCCI, nếu TLTT thực tế tăng lên 3% sẽ có khoảng 10.000 lao động bị giảm đóng/trốn đóng BHXH trong ngắn hạn và khoảng 30.000 lao động khác bị giảm đóng trong thời gian dài hạn. Có nghĩa, các lao động này sẽ phải chuyển sang lao động phi chính thức, không tham gia BHXH hoặc bị mất việc làm. Nếu DN không bù đắp được chi phí sử dụng lao động tăng lên do chính sách điều chỉnh TLTT thì nếu tăng 3%, tỷ lệ DN không có lợi nhuận sẽ tăng thêm khoảng 0,9 điểm phần trăm, tương tự tăng 5% thì sẽ là 1,7%.

Hiện nay, nhiều nước áp dụng việc trả lương theo giờ. Quan điểm của bà về việc này thế nào?

- Khi chúng tôi nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài, đối với nền kinh tế thị trường, họ chỉ trả lương theo giờ vì có những ưu điểm. Thứ nhất, áp dụng cho những người làm những công việc giản đơn, lao động nhẹ nhàng. Thông thường, những công việc ấy có tính ngắn hạn, làm bán thời gian. Thứ hai, chức năng của lương tối thiểu là đảm bảo mức tái sản xuất sức lao động nhưng không thể đảm bảo được vấn đề toàn bộ sứ mạng phải tổ chức lao động. Nếu anh xây dựng mức lương tối thiểu theo tháng, hàm ý người chủ lao động phải sử dụng lao động trong toàn tháng và các tháng khác nữa. Thứ ba, đứng về hợp đồng lao động, những người hưởng lương tối thiểu thường ký ngắn hoặc có thời hạn. Khi chủ sử dụng lao động thực hiện trả lương tối thiểu theo tháng thì phải thực hiện tất cả các chính sách xã hội cho NLĐ như BHXH... Như vậy, nếu dùng lương tối thiểu theo tháng thì vô tình tạo bất lợi cho một số lao động mà DN chỉ có nhu cầu sử dụng theo giờ. Chẳng hạn như làm vệ sinh môi trường, công nhân làm việc ngoài trời, xây dựng...

Tất nhiên, lương tối thiểu theo giờ có nhược điểm là phụ thuộc vào tổng giờ làm việc. Giả định, NLĐ không được bố trí đủ thời gian làm việc thì cả tháng lương ấy của họ không đáp ứng được mức sống tối thiểu. Nhưng, tôi đã nói, mỗi cấu phần tiền lương có chức năng khác nhau. Nếu chúng ta gắn TLTT tính theo tháng như bây giờ thì gây khó khăn cho DN, họ không thể có những phương án sử dụng lao động linh hoạt. Nếu như lương theo giờ thì họ thấy thị trường lao động không bị xáo trộn nhiều.

Tiền lương tối thiểu chỉ nên dưới 40%

Nhiều năm là thành viên của Hội đồng tiền lương Quốc gia, đến nay mức TLTT đạt gần 60% tiền lương trung bình, điều này sẽ xảy ra kịch bản gì, thưa bà?

- Về lý thuyết, TLTT chỉ nên dưới 40% so với tiền lương trung bình, nhưng còn tùy thuộc vào cơ cấu nguồn nhân lực. Chẳng hạn những thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao như Singapore, Nhật Bản thì mối tương quan giữa TLTT và tiền lương trung bình không cao. Nhưng với đất nước ta, thị trường nguồn nhân lực mới phát triển, tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật còn thấp thì thường giãn cách TLTT và tiền lương trung bình khoảng 40%, đó là theo kinh nghiệm các nước. Nếu TLTT cao quá so với mức lương trung bình thì nó không phản ánh hết nỗ lực của nguồn nhân lực. Đặc biệt là những người hưởng mức tiền lương trung bình cao hơn sẽ làm cho tiền lương có tính bình quân. Điển hình chúng ta nhìn thấy rõ những người làm trong khu vực Nhà nước, tiền lương thấp nhất và cao nhất không chênh nhau nhiều. Đó là đứng về lý thuyết.

Còn khi TLTT tăng quá khả năng chịu đựng của người ta thì họ có nhiều cách để làm như giảm thời gian làm việc nhưng vẫn giữ lao động lại. Nếu vượt quá, giảm thời gian làm việc, họ sẽ sa thải  lao động. Họ có thể cắt giảm những chi phí liên quan.

Việc điều chỉnh TLTT cũng có biến động về việc ngừng hoặc giảm đóng BHXH cho NLĐ, vậy phải làm sao, thưa bà?

- Mức tính đóng BHXH 30 - 33% là của mức lương đóng BHXH. Theo VCCI, tính trung bình thì phí đóng BHXH và các khoản khác có liên quan chỉ chiếm 9 - 10%  tổng chi phí lao động thôi. Vì tiền lương thực trả hiện nay khác rất nhiều so với ghi trong hợp đồng. Tương lai, họ phải đóng BHXH tính theo lương DN thực trả. Nhưng các chủ sử dụng lao động lại đang rất lo vì chi phí BHXH rất cao. Đây cũng là một hướng mà Bộ LĐTB&XH có thể xem lại. Thực tế hiện nay, tỷ lệ đóng cao nhưng trên nền lương thấp thì như vậy là thấp.

TLTT bằng gần 60% so với tiền lương trung bình, có xảy ra thất nghiệp trá hình, thưa bà?

- Những lao động có kỹ thuật chấp nhận làm những công việc không phù hợp với ngành nghề đào tạo, thậm chí không cần chuyên môn khi họ có nhu cầu. Còn những người có khả năng tìm được việc tốt hơn thì đó chính là nguyên nhân gây ra thất nghiệp trá hình.

Xin cảm ơn bà!
Tại hội thảo, giải thích nguyên nhân tại sao tiền lương cho khối hành chính sự nghiệp lại bị “hụt hơi”, TS Đặng Đức Đạm - nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế T.Ư chỉ ra 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, do ngân sách Nhà nước eo hẹp. Thứ hai, do bộ máy công chức cồng kềnh, kém hiệu quả. Do đó, muốn tăng lương, muốn xóa bỏ được nghịch lý lương phải tinh giản được bộ máy Nhà nước.