Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lương tối thiểu ngành dệt may Việt Nam tốt nhất châu Á

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ 100 lao động làm công ăn lương trong ngành dệt may và da giày ở Việt Nam có 6,6 người nhận mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu.

Tỷ lệ này của Việt Nam thấp hơn nhiều so với nước thấp thứ 2 trong danh sách là Campuchia (25,6%) và thấp hơn gần 9 lần so với nước đứng đầu là Philipines (53,3%). Đây là kết quả báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa được công bố chiều 14/9.
Lương tối thiểu ngành dệt may Việt Nam tốt nhất châu Á - Ảnh 1
Lương tối thiểu ngành dệt may Việt Nam tốt nhất châu Á.
Theo báo cáo, Việt Nam có tỷ lệ không tuân thủ quy định về tiền lương tối thiểu trong ngành dệt may và da giày thấp nhất trong số 7 quốc gia xuất khẩu may mặc tại châu Á với tỷ lệ 6,6%. Báo cáo cũng chỉ ra, việc tuân thủ quy định về tiền lương tối thiểu được thực hiện khá yếu ở khắp các nền công nghiệp dệt may châu Á, với các mức độ khác nhau. Tỷ lệ vi phạm nghiêm trọng (trả lương thấp hơn 80% mức lương tối thiểu) tại Việt Nam ở mức 3,8% và vi phạm ở mức độ vừa phải là (trả lương trong khoảng từ 80% đến dưới 100% lương tối thiểu) 2,8%.

Trong khi ấy, ở Philipines, Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan và Indonesia đều có một tỷ lệ lớn người lao động trong ngành dệt may bị trả lương thấp hơn nhiều so với lương tối thiểu. Tỷ lệ vi phạm nghiêm trọng ở Philipines là 38,8%, Ấn Độ 34,9%. Khoảng 1/4 người lao động Indonesia cũng nhận lương thấp hơn nhiều so với lương tối thiểu. Một điều đáng lưu ý từ báo cáo, là ở tất cả các quốc gia được nghiên cứu, lao động nữ dễ bị trả lương thấp hơn mức tối thiểu so với lao động nam.

Một lần nữa, Việt Nam có khoảng cách về giới nhỏ nhất (5,7 điểm phần trăm), xếp sau Campuchia và Indonesia. Trong khi ấy, Pakistan có sự khác biệt nam - nữ trong mức lương cao nhất với 60,4% điểm phần trăm.

Báo cáo cũng đưa ra thông tin người lao động có trình độ văn hóa thấp dễ bị trả lương thấp hơn mức tối thiểu.

TS Chang Hee Lee - Giám đốc ILO Việt Nam đánh giá cao tỷ lệ tuân thủ tiền lương tối thiểu trong ngành dệt may, da giầy đang ngày càng phát triển ở Việt Nam.

Nhưng TS Chang Hee Lee cũng khuyến cáo về sự thận trong khi đánh giá số liệu. Lý do bởi: "Số liệu Việt Nam sử dụng trong nghiên cứu này từ năm 2013, trong khi đó lương tối thiểu đã tăng đáng kể trong 3 năm qua. Vì thế chúng ta cần đợi những số liệu mới để xem mức độ tuân thủ cao có tiếp tục được giữ vững ngay cả với mức tăng đáng kể của lương tối thiểu".