Lương và thu nhập thấp, 35,5% công nhân phải đi vay tiền để sống

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tiền lương và thu nhập không đủ sống khiến cho 35,5% người lao động (NLĐ) phải đi vay tiền từ 3 - 4 tháng/lần. Có hơn 21% NLĐ được khảo sát cho biết đã từng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Vì thế, rất cần tăng lương tối thiểu cho NLĐ từ ngày 1/7/2022.

Hơn 21% công nhân phải rút bảo hiểm xã hội 1 lần vì lương thấp

Chiều 26/4, Viện Công nhân và Công đoàn tổ chức Hội thảo khoa học Tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động, phát triển sản xuất kinh doanh, với sự tham dự của Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu.

Điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn, có 5% người được hỏi cho biết rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt cá. Ảnh: Trần Oanh.
Điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn, có 5% người được hỏi cho biết rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt cá. Ảnh: Trần Oanh.

Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam Vũ Minh Tiến cho biết: Thực tiễn hiện nay, công nhân lao động (CNLĐ) có việc làm, cuộc sống bấp bênh từ hậu quả lương thấp. Tính toán của Viện Công nhân và Công đoàn từ số liệu thống kê cho thấy, CNLĐ trong DN hiện nay chỉ chiếm khoảng 15% dân số và khoảng 27% lực lượng lao động xã hội; nhưng đã đóng góp trên 75% ngân sách và trên 65% GDP của cả nước.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đảm bảo việc làm, nâng cao mức sống và từng bước cải thiện điều kiện làm việc của CNLĐ. Tuy nhiên, còn có nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách kéo dài mà chưa được quan tâm, giải quyết thỏa đáng.

Đặc biệt, qua hơn 2 năm đại dịch diễn ra, những vấn đề tiếp tục bị “lật tung” lên và hiện ra rõ hơn, trầm trọng hơn, đó là: Tiền lương thấp và thiếu tích lũy; việc làm, thu nhập bấp bênh, nhà ở và điều kiện sinh hoạt, giáo dục, y tế khó khăn; an sinh và phúc lợi xã hội thiếu bảo đảm.

Khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2020 cho thấy, có tới 60% CNLĐ hiện đang phải thuê nhà trọ để ở, trong đó gần 4% phải ở nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, với điều kiện chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, thiếu tiện nghi sinh hoạt. Có 23% CNLĐ đang phải dùng nguồn nước giếng đất, giếng khoan.

Đặc biệt, trong thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc tới đời sống, việc làm, thu nhập của CNLĐ và gia đình họ. Một bộ phận lớn CNLĐ đã bị rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn, có 5% người được hỏi cho biết rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt cá (chỉ khoảng 1-2 lần/tuần) và 34% cho biết thỉnh thoảng (3 lần thịt cá/tuần); 41% chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. Công nhân lao động không dám đi khám bệnh vì không có tiền.

Đối với lao động nhập cư, họ phải thuê nhà trọ để ở, sử dụng điện nước với giá kinh doanh của chủ nhà trọ. Để đảm bảo cuộc sống 12% NLĐ cho biết thường xuyên (hàng tháng) phải đi vay tiền để ổn định cuộc sống; 35,5% NLĐ thỉnh thoảng (từ 3 - 4 tháng/lần) phải đi vay tiền. Có hơn 21% số người được khảo sát cho biết họ đã từng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần sau đó lại tiếp tục tham gia BHXH.

Lương cơ bản của người lao động ở mức 4,9 triệu đồng

Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến cũng thông tin về việc công nhân lao động có lương không đủ sống. Điều này thể hiện rõ trong báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của CNLĐ năm 2022 do Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện trong tháng 3/2022, cho thấy: Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của CNLĐ chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Hầu hết những gia đình công nhân sẽ rơi vào khó khăn, túng quẫn ngay cả khi họ không làm thêm giờ.

Tiền lương và thu nhập thấp khiến nhiều người lao động không dám đi khám vì không có tiền.
Tiền lương và thu nhập thấp khiến nhiều người lao động không dám đi khám vì không có tiền.

Một nghịch lý khá phổ biến, đó là mặc dù CNLĐ đang làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài nhưng lương và thu nhập không cao. CNLĐ ở một số ngành, lĩnh vực phải làm thêm nhiều giờ, có khi lên tới 60 – 70 giờ/tháng: Dệt may, điện tử, da giày, chế biến thủy hải sản, sản xuất gỗ… Có lẽ vị vậy làm việc vất vả nhưng lương thấp, nên có tới 72% CNLĐ được hỏi cho biết không muốn con mình sau này theo nghề nghiệp của mình.

Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Phạm Thị Thu Lan thông tin thêm về việc tiền lương ảnh hưởng tới quyết định lập gia đình của NLĐ. Trong tổng số 269 NLĐ (hơn 10%) tham gia khảo sát là người chưa kết hôn thì có tới 54,6% cho biết tiền lương và thu nhập thấp nên chưa dám lập gia đình vì e ngại không đủ tài chính đảm bảo cho cuộc sống gia đình sau này.

Trong khi đó, có 52,9% NLĐ đã lập gia đình trong mẫu khảo sát cho biết, tiền lương thu nhập hiện tại ảnh hưởng đến quyết định sinh con. 17,4% NLĐ đang có con dưới 18 tuổi cho biết hiện tại con không ở cùng với bố mẹ. Một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng này là tiền lương và thu nhập không đủ để đảm bảo cuộc sống cho con cái vì họ không đủ tiền để gửi trẻ hoặc cho con đi học tại địa phương nơi làm việc.

Tiền lương và thu nhập thấp khiến cho 43,4% NLĐ cho biết họ chỉ đủ tiền mua một số loại thuốc cơ bản. Nhiều NLĐ không dám đi khám vì không có tiền. 57,7% NLĐ cho biết họ tự mua thuốc về tự chữa bệnh và chỉ đến các cơ sở y tế khám khi bệnh chuyển nặng và không thể tự chữa được.

Ai cũng nói lao động là nguồn lực quý giá nhất của mọi DN – cần nuôi dưỡng, chăm lo chu đáo cho nguồn lực quyết định này. Vì thế, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Phạm Thị Thu Lan cho rằng nhu cầu tăng lương của NLĐ là cấp thiết và chính đáng. Vì thế Viện Công nhân và Công đoàn đề nghị các hiệp hội nên cân nhắc và rút lại đề xuất hoãn tăng lương tối thiểu cho NLĐ. Thực tế, có 69,8% DN tham gia khảo sát ủng hộ quan điểm điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022. Việc tăng lương tối thiểu cũng nhằm để thu hút lao động, thúc đẩy chuyển đổi số và phù hợp với quy luật kinh tế thị trường.