Kết nối nông sản
Trưa 19/7, hai chiếc tàu cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đã cập bến phà Rạch Miễu (phà tạm, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang-NV) để vận chuyển những chuyến hàng đầu tiên từ tỉnh này về TP Hồ Chí Minh. Đây là 2 trong 5 chiếc tàu cao tốc mà đơn vị vận chuyển chuẩn bị để đưa hàng hóa thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với 19 tỉnh thành phía Nam.
Một trong 2 chiếc tàu cao tốc cập bến phà Rạch Miễu tạm (thuộc xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) vào trưa 19/7. Ảnh: Đ.X |
Ông Trần Văn Bon – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Tiền Giang cho biết, chuyến hàng đầu tiên xuất bến sẽ là thực phẩm gồm rau củ quả của tỉnh Tiền Giang được chuyển đến TP Hồ Chí Minh.
“Việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng tàu cao tốc là do Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đề xuất và được sự thống nhất của Bộ GTVT và UBND các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Long An” - ông Bon nói.
Theo ông Bon, việc vận chuyển theo phương án trên trước mắt chỉ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nếu việc vận chuyển này tính toán lại và có hiệu quả, thì giữa các tỉnh sẽ xem xét tổ chức lại.
Nói thêm về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GTVT Vĩnh Long Nguyễn Quang Khải cho biết, đơn vị đã có công văn gửi Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng phối hợp triển khai. Ông Khải cho rằng vấn đề chính yếu là do Sở Công Thương hai địa phương TP Hồ Chí Minh và Vĩnh Long chủ động, liên hệ các đầu mối, nguồn hàng, số lượng cung - cầu… và khả năng đáp ứng được bao nhiêu. Ngay khi có số lượng cụ thể, đơn vị sẽ liên hệ Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cung cấp vị trí, địa điểm, thời gian vận chuyển…
Còn ông Phạm Tứ Phương - Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Long thì cho biết, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Sở Công Thương 19 tỉnh thành phía Nam đã có nhóm thông tin chỉ huy chung, kịp thời thông tin hàng giờ. Địa phương, xã phường nào, nơi nào thiếu mặt hàng gì, nơi nào thừa mặt hàng gì để kịp thời thông báo trên nhóm để kết nối.
Trên tinh thần đó, Sở Công Thương Vĩnh Long triển khai một bộ phận, phân công một lãnh đạo sở chịu trách nhiệm cung ứng, nắm tình hình chung của các địa phương, liên hệ với các hợp tác xã, nơi nào cần đặt hàng gì trên nhóm chỉ huy chung thì mình cung ứng.
Vẫn theo Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Long, có thể nói hiện nay tuyến vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng đường bộ đã tương đối thuông suốt sau khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam (thuộc Bộ GTVT) hướng dẫn các địa phương thực hiện “luồng xanh”. Các mặt hàng rau củ quả vận chuyển bằng xe tải 5-7 tấn rất nhanh, thuận tiện. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ hiện các chợ đầu mối đóng vai trò là kênh phân phối các nơi hoạt động chưa ổn định.
Hàng hóa là rau củ quả được vận chuyển lên tàu cao tốc. Ảnh: Đ.X |
Nghiêm túc phòng dịch
Phương thức vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng đường thủy (luồng xanh đường thủy) từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh ĐBSCL và ngược lại được kỳ vọng đáp ứng được nhu cầu hàng hóa thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với 19 tỉnh thành phía Nam.
Theo phương án dự thảo trước đó, sẽ vận chuyển hàng hóa thiết yếu gồm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật tư thiết bị y tế… đi từ các cảng, bến thủy nội địa tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long đến bến Bạch Đằng (TP Hồ Chí Minh) và ngược lại. Phương tiện thủy phục vụ vận chuyển hàng hóa là tàu cao tốc với sức chở trung bình khoảng 20 tấn hàng hóa/chuyến.
Đối với chi phí vận chuyển, đơn vị vận chuyển sẽ thoả thuận với tổ chức, cá nhân cần vận chuyển hàng hoá, với chi phí phù hợp, đảm bảo bình ổn giá. Thời gian hoạt động từ 6 giờ đến 19 giờ hàng ngày. Sau thời gian hoạt động ổn định sẽ xem xét điều chỉnh thời gian hoạt động phù hợp với nhu cầu thực tế đảm bảo an toàn giao thông và hiệu quả khai thác.
Phương tiện phải đảm bảo công dụng chở hàng hóa và không chở quá khả năng khai thác theo quy định của cơ quan đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Thuyền trưởng, thuyền viên phải đảm bảo số lượng theo đúng định biên an toàn tối thiểu; đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 (ít nhất 1 mũi) và có xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định của Bộ Y tế; phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và chính quyền địa phương.
Các phương tiện thủy nội địa khi vào, rời cảng, bến thủy nội địa, chỉ cử 1 thuyền viên lên bờ làm thủ tục cảng vụ, các thuyền viên khác không được lên bờ. Các phương tiện thủy nội địa không bố trí lực lượng bốc xếp, việc bốc xếp hàng hóa tại các bến thủy nội địa do các đơn vị cung ứng hàng hóa tại địa phương chịu trách nhiệm.
Trong suốt quá trình di chuyển, phương tiện sẽ từ các cảng, bến thủy nội địa của các tỉnh miền Tây đi thẳng về bến Bạch Đằng (TP Hồ Chí Minh), không được dừng dọc đường. Sau mỗi chuyến vận chuyển hàng hóa, phương tiện sẽ được phun khử khuẩn toàn bộ trước khi khởi hành chuyến mới…