KTĐT - Một hiện tượng thường gặp là dù các em bé mới chào đời “gào” rất to nhưng không hề có chút nước mắt nào. Trong khi đó, có một số trẻ lại có hiện tượng chảy nước mắt ngay cả khi không khóc. Vì sao vậy nhỉ?
Theo Jennifer Shu, tác giả của nhiều cuốn sách về trẻ sơ sinh cho hay: Khi mới chào đời, tuyến nước mắt của trẻ sơ sinh chỉ sản xuất với số lượng nhỏ đủ để giúp bôi trơn và bảo vệ đôi mắt của trẻ. Vì thế, trẻ sơ sinh sẽ không có nước mắt dư thừa để có thể tạo thành những giọt nước mắt trào ra trên khóe mắt mỗi khi chúng khóc.
Nước mắt của trẻ sơ sinh được sản xuất khi chúng ở độ tuổi từ 1-3 tháng tuổi. Cùng với sự phát triển của tuyến nước mắt này, sự sản xuất nước mắt ở mắt trẻ sơ sinh cũng gia tăng.
Vậy nên nếu bé mới sinh cứ chảy nước mắt dù không hề khóc thì nhiều khả năng là tắc tuyến lệ. Thông thường các rối loạn này tự nó sẽ trở lại trạng thái bình thường nhưng nếu giác mạc của em bé sơ sinh có màu đỏ kèm theo triệu chứng sưng thì có thể báo hiệu một sự nhiễm trùng. Trong trường hợp này, cha mẹ trẻ nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nhé.