Lưu ý quan trọng về sổ đỏ đồng sở hữu bạn nên biết

Minh Huy (laodong.vn)
Chia sẻ Zalo

Sổ đỏ đồng sở hữu là thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng, khi sang tên, thế chấp, mua bán... phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên chung quyền sử dụng.

Sổ đỏ đồng sở hữu là thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng, khi sang tên, thế chấp, mua bán... phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên chung quyền sử dụng.

Ảnh minh hoạ: Minh Huy
Ảnh minh hoạ: Minh Huy

Sổ đỏ đồng sở hữu là gì?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013: “Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 1 giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một giấy chứng nhận và trao cho người đại diện”.

Như vậy, đất đồng sở hữu là cách mọi người gọi, chỉ đất có nhiều người chung quyền sử dụng.

Sổ đỏ đồng sở hữu ai sẽ đứng tên?

- Sổ đỏ đất đồng sở hữu phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất.

2 cách ghi tên trên sổ đỏ đồng sở hữu. Đồ hoạ: Minh Huy
2 cách ghi tên trên sổ đỏ đồng sở hữu. Đồ hoạ: Minh Huy

- Cách ghi tên những người có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:

+ Trên mỗi sổ đỏ ghi thông tin đầy đủ về người được cấp sổ đỏ; tiếp theo ghi "Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc cùng sử dụng đất hoặc cùng sở hữu tài sản) với... (ghi lần lượt tên của những người còn lại có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)".
+ Thửa đất có nhiều cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất mà có thỏa thuận bằng văn bản cấp 01 sổ đỏ cho người đại diện (có công chứng hoặc chứng thực) thì sổ đỏ được cấp cho người đại diện đó.

Trên sổ đỏ ghi thông tin của người đại diện, dòng tiếp theo ghi "Là người đại diện cho những người cùng sử dụng đất (hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) gồm:... (ghi lần lượt tên của những người cùng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất)".

Trường hợp có nhiều người cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất ghi trên trang 1 không hết thì dòng cuối trang 1 ghi "và những người khác có tên tại điểm Ghi chú của Giấy chứng nhận này".

- Số lượng sổ đỏ được cấp: Sẽ cấp cho mỗi người 01 sổ đỏ (thông tin trên các sổ đỏ giống nhau), trừ trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một sổ đỏ và trao cho người đại diện.

Sổ đỏ đồng sở hữu có thể tách sổ

Người sử dụng đất có thể tách sổ đỏ đồng sở hữu. Tuy nhiên, người làm đơn tách đất phải được sự đồng ý của những thành viên đồng sử hữu quyền sử dụng đất còn lại.

Đồng thời, việc tách sổ đỏ phải đáp ứng các quy định của pháp luật, như: điều kiện tách sổ đỏ, diện tích tối thiểu tách sổ đỏ, nộp các loại lệ phí…

Thủ tục tách sổ đỏ đồng sở hữu hiện nay

Người có nhu cầu làm thủ tục tách sổ đỏ, nộp hồ sơ xin tách sổ đỏ đồng sở hữu tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp quận/huyện.

Hồ sơ xin tách sổ đỏ hợp lệ sẽ được xử lý theo đúng trình tự, thời gian quy định. Đồng thời, người dân phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính như:

- Thuế thu nhập cá nhân.

- Lệ phí trước bạ.

- Phí đo đạc, lập bản đồ địa chính.

- Lệ phí thẩm định hồ sơ.

- Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…