Ở Việt Nam hiện có hàng ngàn làng quê cổ, có tuổi đời hàng trăm năm, trong đó có 4 làng cổ được công nhận là di tích Quốc gia: Đường Lâm (Hà Nội); Phước Tích (Thừa Thiên - Huế); Lộc Yên (Quảng Nam); Đông Hòa Hiệp (Cái Bè - Tiền Giang). Dù quy mô to, nhỏ có khác nhau nhưng các ngôi làng Việt đều chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc riêng. Trong bối cảnh phát triển như hiện nay, việc nghiên cứu về các làng quê Việt, đặc biệt là các làng cổ nhằm kế thừa, phát huy và giữ gìn nét đẹp truyền thống của thế hệ trước là rất cần thiết.Tại Hà Nội có khoảng hơn 60 làng cổ như Đông Ngạc (Từ Liêm), Bát Tràng (Gia Lâm)… Nhiều ngôi làng có sự đan xen phong cách truyền thống với phong cách Pháp như làng Cựu (Phú Xuyên), Cự Đà (Thanh Oai)… trong đó phải kể đến Đường Lâm, làng cổ đầu tiên được công nhận là Di tích quốc gia từ năm 2005.Một vấn đề lớn đang đặt ra cho các địa phương: Làm thế nào để vừa giữ gìn được bản sắc làng quê Việt, vừa phát triển được kinh tế nông thôn? Đối với các làng cổ vấn đề quan trọng hơn hết là làm thế nào để người dân nơi đây được hưởng lợi khi bảo tồn nét xưa? Đơn cử như câu chuyện làng cổ Ðường Lâm có nhiều ngôi nhà cổ, kiến trúc đá ong độc đáo, có tuổi đời hơn 300 năm được công nhận là Di tích quốc gia đầu tiên của Việt Nam từ năm 2005. Nhưng việc tìm đâu ra nguồn kinh phí để bảo tồn “bảo tàng sống” ấy để không bị xuống cấp theo thời gian, trong bối cảnh dân số phát triển, nhu cầu cơi nới, xây mới của người dân là có thật. Người dân Đường Lâm sống giữa di tích, phải chấp hành Luật Di sản, không được xây dựng, sửa sang nhà cửa hàng chục năm trời. Đỉnh điểm, đầu năm 2013, gần 70 hộ dân đã ký vào đơn đòi trả lại danh hiệu trong bối cảnh các cơ quan chức năng dự kiến lập hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận Ðường Lâm là di sản thế giới.Câu chuyện Cự Ðà (Thanh Oai, Hà Nội) - làng nổi tiếng từ lâu đời với nghề làm tương, làm miến cũng khiến cho chúng ta phải suy nghĩ. Trong làng đã có khoảng hơn 100 ngôi nhà mới cao tầng mọc lên, hàng chục ngôi nhà cổ bị phá dỡ. Giờ đây, Cự Ðà không còn bóng dáng cổ kính vì người dân nhận được tiền đền bù từ dự án giải tỏa đất nông nghiệp làm khu đô thị mới, bà con xây nhà mới. Những cái tên như làng hoa Ngọc Hà, làng đào Nhật Tân, làng Láng… và nhiều làng cổ khác giờ chỉ còn là cái tên trong hoài niệm còn bên trong là cuộc sống đô thị sôi động.Tôi thấy báo Kinh tế & Đô thị nhưng lại đi sâu vào một đề tài khá hay, làng quê Việt. Phải thẳng thắn thừa nhận, lâu nay chúng ta mới chủ yếu quan tâm đến việc kéo dài tuổi thọ, giữ nguyên gốc làng cổ nhưng lại ít quan tâm đời sống của dân làng. Vì thế hàng loạt vấn đề lớn đang cần phải giải quyết: Bảo tồn cho ai, bảo tồn làm gì, bảo tồn như thế nào?Muốn thế trước hết chúng ta cần có bộ tiêu chí đánh giá làng cổ như giá trị lịch sử, văn hóa, địa lý. Bảo tồn làng cổ phải có sự sống trong đó, người dân phải sống và sinh hoạt bình thường như cuộc sống hàng trăm năm nay, chứ không thể giữ nguyên hay mua lại toàn bộ để giữ nguyên. Nếu muốn giữ nguyên mô hình như vậy thì chúng ta chỉ cần xây dựng Làng văn hóa mô phỏng thôi là đủ.Muốn bảo tồn giá trị làng Việt cổ là phải biết kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phải góp phần phát huy thay đổi giá trị vật chất và tinh thần của dân làng. Hơn ai hết chính quyền địa phương phải tạo ra được các loại hình dịch vụ văn hóa, du lịch đem lại lợi ích cho chính chủ nhân của các làng quê đó.Không thể bắt người dân duy trì nếp nhà cũ, xập xệ theo thời gian khi đời sống kinh tế đã thay đổi. Người thành phố muốn nhà cửa hiện đại thì người nông dân cũng muốn/cần cuộc sống hiện đại, quyền bình đẳng. Nên để gìn giữ giá trị làng quê Việt phải bắt đầu từ nguyên tắc linh hoạt, mềm dẻo để quyền lợi của người dân và quốc gia hài hòa với nhau, phải đặt con người và nhu cầu của dân làng vào trung tâm của việc bảo tồn. Tiếp đến là phải có quy hoạch làng cổ, đảm bảo đời sống cho người dân phù hợp với cuộc sống hiện đại và xác định các yếu tố không gian, kiến trúc làng cần phải gìn giữ, bảo tồn.Các nhà kiến trúc và quy hoạch đều cho rằng khi chia ra các tiêu chí làng cổ thì chúng ta sẽ có cách ứng xử phù hợp. Ví dụ với làng nghề, bên cạnh nghề chính là làm ruộng thì có nghề truyền thống như Cự Đà mà sản phẩm vẫn được thị trường ưa chuộng thì địa phương nên cùng người dân bằng mọi cách để giữ lấy. Làng truyền thống (làng khoa bảng) như Đông Thái (Hà Tĩnh), Quỳnh Đôi (Nghệ An), làng Hành Thiện (Nam Định) thì cần chú trọng giữ gìn cả về vật chất và tinh thần.Đối với nhiều người xa quê hương thì làng cổ phải là làng giữ được những cấu trúc truyền thống của làng Việt như cảnh quan của làng thể hiện ở lũy tre, cây đa, bến nước, cổng làng…, đó là hình ảnh chung của làng quê Bắc bộ. Đó là những giá trị vĩnh cửu theo thời gian.