Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lý do khiến Nga chưa đạt mục tiêu cắt giảm sản lượng của OPEC+

Nguyễn Phương (Theo Presstv)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hãng Tass của Nga cho biết, sản lượng dầu mỏ của nước này trong tháng 9 đứng ở mức 11,25 triệu thùng/ngày, cao hơn mức cam kết cắt giảm sản lượng của Nhóm OPEC+.

Quan chức năng lượng Nga nói rằng trong tháng 9 vừa qua, Moscow đã không thực hiện đúng cam kết theo thỏa thuận giảm nguồn cung dầu mỏ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn được gọi là Nhóm OPEC+, do sản lượng khí ngưng tụ tăng khi Moscow chuẩn bị vào mùa đông.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak.
Trước đó, các cơ quan truyền thông Nga hôm 20/10 cho biết sản lượng dầu mỏ trong tháng 9 đứng ở mức 11,25 triệu thùng/ngày, giảm so với mức 11,29 triệu thùng/ngày ghi nhận trong tháng 8, song vẫn cao hơn cam kết theo thỏa thuận giảm nguồn cung của OPEC+. Theo thỏa thuận này, Moscow cam kết giảm sản lượng 228.000 thùng/ngày so với mức khai thác cơ sở trong tháng 10/2018.
Các nhà chức trách lý giải việc Moscow không đạt mục tiêu cắt giảm sản lượng dầu mỏ của OPEC+ chủ yếu là do sự gia tăng sản xuất khí ngưng tụ, một loại dầu nhẹ được thống kê trong sản lượng khai thác “vàng đen” của Nga. Lãnh đạo ngành năng lượng Nga nói rằng biện pháp này là cần thiết để đối phó với thời tiết lạnh giá vào mùa đông sắp tới tại Nga.
“Chúng tôi có nghĩa vụ cụ thể, liên quan trong số các yếu tố khác, để đối phó với thời kỳ mùa đông, với việc sản xuất khí ngưng tụ” - hãng Tass trích phát biểu của Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak.
Ông Novak cho biết tổng sản lượng cắt giảm dầu mỏ của Nga trong tháng 9 là khoảng 200.000 thùng dầu/ngày, đồng thời nhấn mạnh rằng Moscow sẽ nố lực trong những tháng tới để đáp ứng mức giảm sản xuất theo thỏa thuận của Nhóm OPEC+.
Nhóm OPEC+ hồi tháng 12 đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày nhằm cân bằng nguồn cung dầu toàn cầu giúp đẩy giá “vàng đen” đi lên khi thị trường đối mặt với sản lượng bùng nổ của Mỹ, các yếu tố chính trị và kinh tế khác.
Ả Rập Saudi, nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đã nhiều lần chỉ trích Nga vì đã không thực hiện đúng cam kết cắt giảm sản lượng ra thị trường năng lượng toàn cầu.
Trong khi đó, Iran - nhà sản xuất lớn trong OPEC, cùng với một số thành viên OPEC khác, được miễn thực hiện thỏa thuận cắt giảm nguồn cung.