Việc ông Trump bất ngờ “đế mắt” đến kênh đào Panama khiến các nhà quan sát phải vội vã nghiên cứu xem liệu Mỹ có thực sự kiểm soát được tuyến đường thủy chiến lược này hay không.
Điều gì làm cho kênh đào Panama trở nên quan trọng và liệu yêu cầu của Tổng thống đắc cử Trump có thực sự nghiêm túc hay không? Đài Sputnik đã phỏng vấn chuyên gia kỳ cựu về chính sách thương mại và địa chính trị Thomas Pauken II về vấn đề này.
Tầm quan trọng của kênh đào Panama là gì?
Chiếm khoảng 6% tổng lượng thương mại hàng hải toàn cầu và tiết kiệm 8.000 hải lý trở lên (tương đương 22 ngày) cho các chuyến đi giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, kênh đào Panama đã đóng vai trò là điểm nghẽn kinh tế và chiến lược quan trọng trong hơn một thế kỷ, phần lớn thời gian đó nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ.
Với thời gian di chuyển bằng tàu chỉ trong 8-10 giờ, kênh đào lớn dài 81,5 km, rộng 33-150 m này giúp Panama thu được khoảng 3,5 tỷ USD tiền phí vận chuyển mỗi năm.
Kênh đào được đưa vào khai thác vào năm 1914 sau một thập kỷ xây dựng do Mỹ chỉ đạo, giám sát và tài trợ - với chi phí tương đương hơn 15 tỷ USD hiện nay.
Mỹ đã giành được quyền kiểm soát Khu vực Kênh đào Panama như một nhượng bộ vào năm 1903 sau khi công nhận nền độc lập của Panama khỏi Colombia. Tuy nhiên, kênh đào được chuyển giao cho Panama vào năm 1999 theo các điều khoản của hiệp ước được ký năm 1979.
Hiệp ước đạt được một phần nhờ vào nỗi sợ của Mỹ về ảnh hưởng ngày càng tăng của Liên Xô ở Mỹ Latinh. Mỹ duy trì quyền bảo vệ kênh đào vĩnh viễn.
Kênh đào này đã chứng minh được sức ảnh hưởng to lớn đối với ngành vận tải biển toàn cầu khi dẫn đến việc tạo ra loại tàu chở hàng rời khổng lồ riêng – được gọi là Panamax – có sức chở 60.000-80.000 tấn.
Dù có nói đùa hay không thì ông Trump cũng không phải là đảng viên Cộng hòa đầu tiên chỉ trích hiệp ước năm 1979, ông Ronald Reagan cũng đã làm như vậy trong chiến dịch tranh cử năm 1976 và 1980, nhưng đã từ bỏ ý tưởng này ngay sau khi nhậm chức.
Liệu ông Trump có thực sự nghiêm túc?
Chuyên gia về chính sách thương mại và địa chính trị Thomas Pauken II nói rằng, ông Trump "chỉ nói đùa" và không có cách hợp pháp nào để Mỹ khôi phục quyền kiểm soát kênh đào Panama.
Theo vị chuyên gia này, bên cạnh việc nhấn mạnh đến "phản ứng thái quá" của giới truyền thông và các quan chức cấp cao trước lời nói của ông, cuộc thảo luận của ông Trump về kênh đào Panama thực sự được tiến hành để giải quyết tình trạng các hãng vận chuyển của Mỹ bị tính phí quá cao.
Ông Pauken lưu ý thêm rằng, trên thực tế, các cuộc thảo luận được thực hiện với những lời cảnh báo cứng rắn nhằm giảm giá cước vận tải hiện tại và xem xét liệu có bất kỳ sự ưu đãi nào dành cho các đối thủ cạnh tranh thương mại của Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc.
"Đây thực sự là một trường hợp đơn giản khi muốn đàm phán mức giá thấp hơn cho phí vận chuyển, sau đó nói đùa về việc Mỹ có thể cố gắng giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama và điều hành hoạt động kênh đào này. nó. Tất nhiên, bất kỳ ai có chút hiểu biết thông thường, bao gồm các nhà ngoại giao, quan chức truyền thông và thậm chí cả chuyên gia luật, đều cho rằng ông Trump không thể nắm quyền kiểm soát kênh đào Panama nếu Panama từ chối cho phép điều đó" – chuyên gia Pauken nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Pauken tin rằng kênh đào Panama có thể trở thành điểm nóng xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng tình huống này chỉ diễn ra "nếu Bắc Kinh và Washington chọn bắt đầu và phát động chiến tranh thương mại" thay vì ngồi lại và đưa ra một "thỏa thuận lớn" mà cả hai bên đều thấy công bằng - giống như Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đạt được vào cuối năm 2019.
Panama tuyên bố “rắn” với Mỹ về kênh đào Panama
Tổng thống Panama Jose Raul Mulino hôm 26/12 đã bác bỏ khả năng đàm phán với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về quyền kiểm soát kênh đào Panama.
"Kênh đào Panama thuộc về người dân Panama" - Tổng thống Mulino tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 26/12, đồng thời nhấn mạnh: "Kênh đào có được nhờ xương máu, mồ hôi và nước mắt của người dân Panama. Chúng tôi không có ý định thực hiện bất kỳ cuộc đối thoại nào về quyền kiểm soát kênh đào. Không có gì để thảo luận về kênh đào Panama với bất cứ ai".
Đây là lần thứ hai Tổng thống Panama lên tiếng kể từ khi Tổng thống đắc cử Trump đe dọa giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama hôm 21/12. Ông Trump đã chỉ trích gay gắt những khoản phí mà ông gọi là "vô lý" đối với tàu thuyền Mỹ đi qua kênh đào và ám chỉ đến ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
"Hoàn toàn không có sự can thiệp hay tham gia nào của Trung Quốc vào bất cứ điều gì liên quan đến kênh đào Panama" - Tổng thống Mulino quả quyết tại buổi họp báo.
Trước đó hôm 25/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thông báo rằng ông đã đề cử ông Kevin Marino Cabrera - cựu ủy viên của hạt Miami-Dade (bang Florida) làm Đại sứ Mỹ tại Panama.
Trong tuyên bố lựa chọn ông Cabrera, Tổng thống đắc cử Trump cáo buộc Panama “lừa đảo chúng ta về kênh đào Panama, vượt xa những giấc mơ hoang đường nhất của họ”.