Cần mạnh dạn mở cửa trường học
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, tính đến tuần đầu tháng 1/2022, cả nước có 9 tỉnh, thành dạy học trực tiếp (gồm Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Thái Bình, Hà Nam, Khánh Hòa, Bắc Giang); 35 địa phương dạy học kết hợp, còn lại là các địa phương dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thanh Đề cho rằng, cần mạnh dạn mở cửa trường học vì tỷ lệ tiêm vaccine trong giáo viên, học sinh, sinh viên rất cao trong khi tỷ lệ nhiễm Covid- 19 của nhóm này lại thấp. Cụ thể, đến 15/1, số học sinh 12-17 tuổi trên cả nước được tiêm vaccine mũi một chiếm 90,1%, mũi hai đạt hơn 72%. Số cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vaccine mũi hai đạt hơn 82%; mũi ba hơn 28%. Ở đợt bùng dịch thứ tư, toàn ngành giáo dục có hơn 130.000 cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm Covid-19 và đến 18/1, chỉ còn gần 4.800 người đang điều trị.
PGS.TS. Phạm Mạnh Hà (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh hiện Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới học sinh, sinh viên. Ngoài học tập, các em cũng cần giao tiếp, kết nối bạn bè, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, đại dịch đã làm thay đổi tất cả; tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị về tâm lý, tâm thần tăng vọt; nhiều em có biểu hiện thiếu tập trung, không hứng thú học tập; cảm thấy tự ti, mất phương hướng…
Tuy ngành giáo dục đã tổ chức linh hoạt hình thức dạy và học nhưng việc học online ảnh hưởng nhiều đến khả năng tiếp thu kiến thức, kỹ năng xã hội, hoạt động thể chất và sức khoẻ tâm thần của các em; vì vậy Bộ Y tế ủng hộ đưa học sinh sớm quay trở lại trường...- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Tiến trình mở cửa trường học của các nước trong khu vực và thế giới thường dựa vào một số tiêu chí theo khuyến nghị của WHO, UNICEF và UNESCO, gồm: Quy định về việc tiêm vaccine và chiến lược xét nghiệm cho học sinh, các biện pháp quản lý nguy cơ khi có dịch trong trường, tăng cường nhận thức của học sinh và phụ huynh giai đoạn đầu mở cửa. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 65% quốc gia đã mở cửa hoàn toàn, 35% mở cửa một phần. Việt Nam cũng đang thực hiện khá tương đồng theo các tiêu chí trên nhưng cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa.
Xây dựng lộ trình
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT), hai năm qua, cùng nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho người học và nhà giáo cùng việc thúc đẩy công tác dạy và học trực tuyến nhằm tránh đứt gãy các hoạt động giáo dục, kiên trì mục tiêu chất lượng, Bộ GD&ĐT đã kịp thời đưa ra các chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời về việc mở cửa trường học trở lại đảm bảo an toàn cho người học. Thời gian tới, ngành giáo dục các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để xây dựng kịch bản chi tiết, đón học sinh trở lại, đồng thời cần truyền thông, tư vấn cho cha mẹ học sinh và cộng đồng.
PGS.TS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT cần có lộ trình đưa học sinh quay lại trường, có phương án dạy học kết hợp. Bên cạnh đó cũng cần có hướng dẫn cụ thể về tổ chức các hoạt động giáo dục vừa đảm bảo nội dung chuyên môn, phòng chống dịch, xây dựng các kịch bản trong trường hợp phát hiện ổ dịch trong trường học để nhanh chóng xử lý mà không làm gián đoạn việc học.
Còn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu quan điểm, hiện tỷ lệ bao phủ hai mũi vaccine trên cả nước đã gần 100% và Bộ đang chuẩn bị kế hoạch tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Đây là tiền đề quan trọng để tổ chức hoạt động dạy học bình thường trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đồng quan điểm cho rằng, tỷ lệ tiêm vaccine trên cả nước đã rất cao; điều kiện thuốc chữa có cải thiện; điều kiện phòng chống dịch cũng như hiểu biết và thích ứng của người dân được nâng cao; địa phương có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống, dịch. Với sự khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, phân tích kinh nghiệm các nước thì đây chính là lúc cần điều chỉnh trong mở cửa trường học một cách an toàn như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại Nghị quyết 128/NQ-CP.