M&A 2015 - chờ đón sự bùng nổ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ đề “Chờ đón sự bùng nổ”, Diễn đàn về mua bán, sáp nhập DN...

Kinhtedothi - Với chủ đề “Chờ đón sự bùng nổ”, Diễn đàn về mua bán, sáp nhập DN (M&A 2015) tổ chức ngày 6/8 tại TP Hồ Chí Minh, mang tinh thần lạc quan khi đưa ra nhận định, sẽ có dòng vốn mới chảy vào thị trường M&A Việt Nam, với tổng giá trị dự báo lên tới 20 tỷ USD trong giai đoạn 2014 - 2018.

Trong dòng chảy của những yếu tố kích cầu đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang coi Việt Nam là thị trường hoàn hảo để họ nắm cơ hội và khai thác. Các đơn vị môi giới, tư vấn đang nhìn thấy một lượng khách hàng dư thừa tiền mặt và sẵn sàng rót vốn để chốt thương vụ sớm nhằm thâm nhập thị trường Việt Nam, nếu họ tìm thấy các đối tác đáp ứng tiêu chí.

Cơ hội cho tái cơ cấu doanh nghiệp
TS Nguyễn Minh Phong:
Ngành bán lẻ sẽ “dẫn dắt” thị trường M&A
Lĩnh vực bán lẻ là lĩnh vực đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ và được dự đoán sẽ dẫn dắt thị trường M&A trong thời gian tới. Vì trước đây, nó là một lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Tuy nhiên, khi chúng ta “mở” lĩnh vực này ra thì đương nhiên sẽ là cơ hội thu hút các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhận thấy sự thay đổi khá lớn trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, nhất là đối với giới trẻ. Từ văn hóa mua sắm, tiêu dùng đến du lịch, nhà hàng... Thị trường đã ghi nhận sự xuất hiện của rất nhiều thương hiệu bán lẻ trong thời gian gần đây.

Theo thống kê chưa đầy đủ, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong năm 2014 đạt 4,2 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2015, hoạt động M&A tiếp tục diễn ra sôi động với nhiều thương vụ lớn. Đơn cử trong lĩnh vực ngân hàng, các thương vụ tiêu biểu của thị trường M&A nửa đầu năm 2015 phải kể đến gồm: Sáp nhập SouthernBank vào Sacombank; Sáp nhập MHB vào BIDV; HDBank bắt tay Credit Saison (Nhật Bản); Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) ký hợp đồng đặt mua cổ phần với FairFax Asia Limited (tháng 4/2015), một công ty con thuộc sở hữu toàn bộ của Fairfax Financial Holdings, nhà bảo hiểm và tái bảo hiểm toàn cầu có trụ sở tại Canada…        

Trên thị trường bán lẻ là các thương vụ: Power Buy, Công ty trực thuộc tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan Central Group mua lại 49% cổ phần của Nguyễn Kim, một trong những chuỗi kinh doanh điện máy lớn nhất Việt Nam, đã được Power Buy, công ty trực thuộc tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan Central Group mua lại 49% cổ phần với giá trị thương vụ không được tiết lộ. Thương vụ này sẽ giúp Central Group mở rộng hệ thống bán lẻ điện máy tại Việt Nam. Thương vụ tiếp theo là HĐQT Công ty CP Kinh Đô (KDC) thông qua quyết định chọn đối tác nước ngoài để đầu tư vào mảng bánh kẹo (tháng 11/2014). Đối tác được chọn là Mondelez International, tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới về bánh kẹo, thực phẩm nước giải khát của Hoa Kỳ. Theo đó, KDC chuyển nhượng 80% cổ phần Công ty CP Kinh Đô Bình Dương (BKD) cho Mondelez và quyền chọn mua số cổ phần BKD còn lại với cùng giá chuyển nhượng áp dụng đối với từng cổ phần như giao dịch chuyển nhượng lần đầu…
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). 	Ảnh: Chiến Công
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ảnh: Chiến Công
Một trong những yếu tố sẽ thúc đẩy hoạt động M&A trong thời gian tới là chương trình cổ phần hóa DN Nhà nước (DNNN) của Chính phủ. Trong đó, quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN theo chủ trương của Chính phủ đang góp phần làm cho thị trường M&A Việt Nam trở nên phong phú và đa dạng hơn. Xu hướng lựa chọn M&A như một chiến lược quan trọng để tái cấu trúc, hướng tới tăng trưởng bền vững của khối DN ngoài Nhà nước cũng được coi là sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam. Một minh chứng cụ thể đó là việc Diễn đàn năm nay đã chứng kiến là sự cởi mở của các DNNN ở góc độ đầu tư khi Tập đoàn Dầu khi Việt Nam (PVN) cũng tham gia kêu gọi đầu tư tại diễn đàn. Theo đó, đơn vị này đang triển khai dự án LNG Sơn Mỹ (KCN Sơn Mỹ 1, tỉnh Bình Thuận), chuyên xuất nhập khẩu khí LNG. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, do Tổng Công ty Khí (PV Gas) làm chủ đầu tư. Đây cũng là dự án huy động nhiều vốn nhất trong các công ty tham gia diễn đàn. Ngoài ra, việc Chính phủ chính thức nới room đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ là cơ hội để thu hút được dòng vốn ngoại vào thị trường M&A Việt Nam trong thời gian tới. Các cuộc IPO (chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng) của những DN lớn trong các ngành giao thông vận tải, viễn thông, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm… đang tạo nguồn hàng mới hấp dẫn đối với thị trường M&A Việt Nam.

Cơ hội đón dòng vốn mới

Ngoài những yếu tố trên, M&A năm 2015 và giai đoạn tiếp theo được các chuyên gia đánh giá đang có cơ hội bứt phá bởi xuất hiện nhiều điều kiện thuận lợi. Ông Phan Đức Hiếu - Trưởng ban Môi trường Kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, có nhiều vấn đề tác động đến tăng trưởng M&A. Trong đó, những thay đổi của Luật DN mới, theo đó mức độ bảo vệ các nhà đầu tư đã tăng lên đã tác động tích cực đến niềm tin đối với nhà đầu tư. Cùng với đó, Luật DN mới không còn hạn chế việc Công ty CP không được sáp nhập vào Công ty TNHH.

Còn theo TS Vũ Bằng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Nghị định 60/2015/N Đ – CP chính thức mở room cho nhà đầu tư nước ngoài, là một trong những minh chứng thể hiện cam kết cải cách của Chính phủ với sự hội nhập của kinh tế thế giới. Các điều kiện này sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam. Bên cạnh đó, với sản phẩm chứng khoán phái sinh cũng đang trong quá trình được hoàn thiện để được triển khai. Với sự hồi phục của TTCK sẽ là điều kiện để thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và đẩy mạnh làn sóng M&A trong thời gian tới, TS Vũ Bằng cho biết.          

Ngoài ra, cơ hội cho các thương vụ M&A trong thời gian tới rất đáng chú ý đến từ việc gia tăng các dòng vốn đầu tư mới. Chỉ riêng các nhà đầu tư Nhật Bản, theo thống kê, năm 2013 được nhận định là kỷ lục của thương vụ đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam với 20 thương vụ. Nhưng năm 2015, chỉ trong vòng 6 tháng, đã có 12 thương vụ M&A đến từ Nhật Bản. Và dự báo cuối năm nay con số thương vụ sẽ là 30. Đây là tín hiệu tốt từ các nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam trong năm nay. Ông Masataka Yoshida - Giám đốc điều hành Recof nhận định, một trong những động lực thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam là sự bùng nổ của nhu cầu tiêu dùng. “Đặc biệt, các DN, nhà đầu tư Nhật Bản về dài hạn không chỉ tập trung trong một lĩnh vực mà dàn trải, đa dạng hơn trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong ngắn hạn sẽ có 7 lĩnh vực chính: bán lẻ, nhà hàng, tiêu dùng cá nhân, tài chính tiêu dùng, du lịch, tiêu dùng nhanh, eCommerce, logistic” - ông Masataka Yoshida nhấn mạnh và cho biết thêm, không chỉ có DN Nhật Bản, mà các nhà đầu tư khác đến từ các quốc gia mới nổi trong khu vực như: Thái Lan, Singapore… sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với Nhật Bản để cùng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những công ty tốt tại Việt Nam.
Danh sách thương vụ M&A tiêu biểu Việt Nam năm 2014 và những tháng đầu năm 2015         
1. Nhóm thương vụ M&A tiêu biểu 2014 - 2015 gồm:
Thương vụ hợp nhất – sáp nhập tiêu biểu: Ngân hàng Sacombank và Ngân hàng Phương Nam; BIDV và MHB .
Thương vụ mua lại tiêu biểu: Vingroup và OceanGroup (Ocean mart) & Vinatex Mart; Mondelèz International và Công ty CP Kinh Đô (Kinh do Bakery); Power Buy (Tập đoàn Central Group) và CTCP Thương mại Nguyễn Kim; Công ty Giống cây trồng T.Ư và Công ty Giống cây trồng Miền Nam; Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) và Citimart, Fivimart; Ngân hàng TMCP Sài Gòn và Bảo hiểm Bảo Long.
Thương vụ chuyển giao dự án BĐS tiêu biểu: Gaw Capital Partners và Indochina Land; Gamuda Land Vietnam (Malaysia) và Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal);
2. Nhóm IPO và Phát hành riêng lẻ tiêu biểu gồm:
Thương vụ đầu tư và phát hành riêng lẻ tiêu biểu: Credit Saison và HDBank Finance; Fairfax Asia và Tổng Công ty CP Bảo hiểm BIDV; Bảo hiểm Dong bu (Hàn Quốc) và Bảo hiểm Bưu điện PTI; Vinacapital và Công ty CP Sữa quốc tế IDP; Standard Chartered PE và Golden Gate.
Thương vụ CPH và IPO tiêu biểu: Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau; Tập đoàn Dệt may Việt Nam; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam;
3. Nhóm công ty có chiến lược M&A tiêu biểu gồm:
Kinh đô Group; Vingroup; Công ty CP đầu tư FIT; FLC – Novaland.