M&A doanh nghiệp bán lẻ sôi động giữa "bão" Covid-19

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động mua bán-sáp nhập (M&A) của các DN bán lẻ Việt Nam khá sôi động giữa "bão" Covid-19. Dù khó khăn nhưng thị trường này vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút nhiều doanh nghiệp nội tăng tốc tham gia đầu tư.

Doanh nghiệp ngoại rút luu
Thời gian gần đây, hoạt động M&A hệ thống bán lẻ từ các đối thủ nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam khá sôi động.
Ngày 9/10, Tập đoàn Ô tô Trường Hải (Thaco) công bố đã hoàn tất việc thu mua 100% vốn chuyển nhượng quyền độc quyền của đại siêu thị Emart Hàn Quốc tại Việt Nam. Trước đó Saigon Co.op cũng hoàn tất việc chuyển giao tất cả hoạt động bán lẻ Auchan (Pháp) tại thị trường Việt Nam.
Thực tế cho thấy E-mart hay Auchan không phải là những trường hợp đầu tiên phải chấp nhận dừng khai thác thị trường bán lẻ Việt Nam và chuyển giao cho doanh nghiệp Việt.
Đầu tháng 7, với lý do thay đổi chiến lược phát triển và mở rộng mạng lưới trên toàn quốc, siêu thị Lotte Mart Đống Đa (thuộc Tập đoàn Lotte Hàn Quốc) sau 8 năm hoạt động (2014) đã thông báo ngừng kinh doanh. Tương tự, năm 2016, sau 8 năm đi vào hoạt động, Trung tâm thương mại Parkson Thái Hà (Malaysia) chính thức đóng cửa địa điểm kinh doanh này.
Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, những thương hiệu bán lẻ lớn nhất Việt Nam lần lượt dừng hoạt động hoặc sang tay chủ mới. Điểm lại thời gian qua cho thấy nhiều thương hiệu quy mô lớn đang đầu tư vào thị trường Việt Nam như Shop & Go (Singapore) đã phải thừa nhận: “Miếng bánh” thị phần bán lẻ Việt Nam dù đầy tiềm năng nhưng không dễ khai thác, buộc phải sang tay hệ thống bán lẻ cho chủ mới hoặc thoái vốn dừng hoạt động.
 Người tiêu dùng mua hàng hóa tại hệ thống siêu thị Vinmart

Nhận định về thị trường bán lẻ Việt Nam, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, tuy có mức tăng trưởng hàng chục % thời điểm trước dịch Covid-19, nhưng sức cạnh tranh cũng rất khốc liệt. Nguyên nhân một phần do DN Việt Nam đang chiếm lĩnh hệ thống siêu thị tầm trung và siêu thị mini, nên doanh nghiệp ngoại chỉ có thể khai thác phân khúc cao cấp.
Báo cáo của Kantar WorldPanel (tập đoàn chuyên nghiên cứu thị trường) cho thấy DN Việt với lợi thế “sân nhà”, cùng sự am hiểu thị hiếu người tiêu dùng đang dần chiếm lĩnh, làm chủ “cuộc chơi”, liên tục mở rộng quy mô đến số lượng điểm bán lẻ.
Doanh nghiệp Việt tăng tốc
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, song tính chung 9 tháng 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, dự kiến năm 2021 tăng khoảng 3 - 4% so với năm 2020.
Nói về thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam có sự thay đổi đáng kể trong những năm qua, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông nêu rõ, nếu như năm 2016, hơn 50% thị phần bán lẻ Việt Nam về tay công ty nước ngoài, nhưng hiện doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã vượt trội về số điểm bán, liên tục được mở rộng độ bao phủ. Cụ thể, cả nước có khoảng 1.085 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi, nhưng doanh nghiệp nội chiếm khoảng 70 - 80%.
 Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Hapro Thành Công

Thực tế cho thấy các doanh nghiệp Việt đang tăng tốc đầu tư hệ thống bán lẻ. Chủ tịch HĐQT BRG Retail Nguyễn Thái Dũng cho biết, từ năm 2020 đến nay mặc dù phải đối mặt với những khó khăn do Covid-19 nhưng hệ thống bán lẻ của BRG đã mở 100 điểm bán hàng tại miền Trung và miền Nam.
“Dự kiến trong năm 2022, BRGMart phát triển 200 điểm, trở thành lựa chọn mua sắm hàng đầu cho người tiêu dùng trên cả nước”, ông Dũng nói.
Trong mảng phân phối hiện đại, Saigon Co.op cũng từng bước chuyển đổi mô hình chuyên sâu cung cấp thực phẩm tươi sống chế biến sẵn và đại siêu thị bên cạnh cửa hàng tiện lợi Co.op Food, Co.op Smile... dự kiến đến năm 2025 đạt ít nhất 2.000 điểm bán, tăng gần 2 lần so hiện nay.
Liên quan đến kế hoạch phát triển hệ thống siêu thị E-Mart tại Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Trường Hải Trần Bá Dương thông tin, Thaco sẽ phát triển E-Mart thành một điểm không chỉ mua sắm thực phẩm, mà còn tiếp cận sản phẩm xe ô tô, đồng thời mở rộng hệ thống đại siêu thị Emart tới các tỉnh thành. Cụ thể trong năm 2022 sẽ đưa vào hoạt động thêm 2 siêu thị tại TP Hồ Chí Minh, dự kiến đến năm 2025 và sẽ mở rộng hệ thống với 10 siêu thị. 
“Năm 2021 đặt mục tiêu doanh thu hệ thống siêu thị Emart đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2020”, ông Dương nói.
Phân tích việc doanh nghiệp Việt chiếm đến 80% thị phần bán lẻ, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) Vũ Thị Hậu nêu rõ, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã thể hiện sự khôn khéo khi vừa củng cố thị phần tại các tỉnh, thành phố lớn, vừa nhắm đến thị trường ngách, nông thôn. Đây là lựa chọn thông minh để đáp ứng tốt xu hướng mua hàng nhanh chóng, tiện lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên để chiếm lĩnh thị trường, đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp FDI ở phân khúc cao cấp, Phó Chủ tịch AVR Nguyễn Thành Phương cho rằng, mô hình bán lẻ cũng cần chóng thích ứng với tình hình mới theo hướng áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động bán hàng, trong đó online và offline bổ trợ lẫn nhau.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt khi Covid-19 khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức mua giảm sút. Để cạnh tranh, các DN bán lẻ cần không ngừng đổi mới, đầu tư sử dụng công nghệ, thương mại điện tử qua đó tăng tính trải nghiệm cho khách hàng. Quan trọng hơn cả, doanh nghiệp rất cần xây dựng kế hoạch uyển chuyển theo diễn biến thị trường qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ sản phẩm Việt.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần