Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Ma men" sau tay lái gây tai nạn khiến 6 người bị thương nặng

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lái xe đầu kéo có nồng độ cồn rất cao vẫn tham gia giao thông. Đến khúc cua anh này không làm chủ được tay lái dẫn đến gây tai nạn cho 2 phương tiện khác. Trong khi đó Cục Cảnh sát giao thông vừa có công điện chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/NĐ-CP.

 Hiện trường vụ tai nạn
Vụ tai nạn xảy ra khoảng 8h35, ngày 6/1/2020, xe ô tô đầu kéo BKS: 29C – 62660 do Nguyễn Văn Thư (SN 1989, ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) điều khiển lưu thông trên quốc lộ 1A đã bị lật. Địa điểm tai nạn thuộc địa phận thôn Bản Liếp, xã Phú Xã, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Nguyên nhân ban đầu do đường cua, tài xế không làm chủ được tốc độ đã bị lật đổ sang bên trái đường và xảy ra tai nạn giao thông với xe máy BKS: 12V1-124.10 do Hoàng Thị Linh (SN 1979 ở xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) điều khiển và ô tô 7 chỗ BKS: 12H – 6258 do Mai Hiến Thành (SN 1987 ở xã Quốc Việt, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) điều khiển, trên xe có 6 người lớn và 1 trẻ em đi hướng ngược lại.
Hậu quả vụ tai nạn làm 6 người bị thương nặng, cả 3 xe biến dạng và hư hỏng nặng. Qua điều tra, nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn là do lái xe đầu kéo có nồng độ cồn ở mức 1,012 miligam/1 lít khí thở, ở mức tối đa.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), sau 5 ngày thực hiện Nghị định 100/NĐ-CP, cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 1.518 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Một số địa phương có kết quả xử lý cao như: Tây Ninh, Bắc Giang, Đắk Lắk, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh…
Trong thời gian tới, Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu Trưởng phòng cảnh sát giao thông công an các địa phương tiếp tục tập trung lực lượng, huy động cao nhất phương tiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện có, tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Cảnh sát giao thông công an các địa phương khi tổ chức kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, cần lồng ghép kiểm soát xử lý vi phạm về ma túy; lựa chọn vị trí kiểm soát phù hợp, xác định khu vực “bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”, sử dụng cọc tiêu hoặc dây căng khoanh vùng kiểm soát. Dùng camera ghi lại toàn bộ hoạt động kiểm soát để phục vụ việc xử lý vi phạm.
Huy động các lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, công an cơ sở phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông kiểm soát chuyên đề về vi phạm nồng độ cồn; kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm soát và chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với cơ quan truyền thông tổ chức đưa tin, tuyên truyền về hành vi, thái độ của người vi phạm và kết quả kiểm soát, xử lý vi phạm ngay tại hiện trường.
Đối với trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành, có thái độ, hành vi chống đối thì tổ chức lực lượng, khống chế đưa về trụ sở công an nơi gần nhất và xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định. Nếu người vi phạm là Đảng viên, lực lượng vũ trang, cán bộ công chức nhà nước thì thông tin với cơ quan, đơn vị công tác để phối hợp xử lý.