Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mã Pì Lèng

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) trở thành chủ đề bàn tán xôn xao trên các trang mạng xã hội. Nó len lỏi vào từng quán trà đá, tiệm cà phê. Sở dĩ Mã Pì Lèng được nhắc nhiều là bởi trên đỉnh đèo đang có khối bê tông cao 7 tầng giống như cái “mụn” mọc trên mặt cô gái đẹp mà chính quyền không biết.

 Công trình gây tranh cãi trên đèo Mã Pì Lèng
Tây Bắc có tứ đại đỉnh đèo gồm: Mã Pì Lèng (Hà Giang), Ô Quy Hồ (Lào Cai), Pha Đin (giữa Sơn La, Điện Biên), Khau Phạ (Yên Bái). Nơi ấy, cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ, không khí trong lành, thu hút rất nhiều người, nhất là cánh phượt thủ chinh phục, tham quan, thưởng ngoạn. Người dân nơi đây nếu làm điểm dừng chân cũng chỉ có cái lán tre, bán vài chai mật ong, rau để kiếm tiền. Nhiều người trẻ khi nghe những thông tin này lại lắc đầu quầy quậy: “Facebook người ta đưa nhiều nhóm nghỉ ăn giữa đường, trải áo mưa để ngủ. Dân mạng kêu phản cảm nên giờ có chỗ nghỉ, ngắm cảnh đẹp thì tốt quá. Bà chủ khách sạn đấy ngày xưa giúp nhiều người đi phượt, nghỉ chân còn pha trà, mời nước, ăn trái cây. Bà ấy với chồng tự bỏ tiền túi, gom từng viên đá để tự xây”...
Tôi còn nhớ hồi bé, câu chuyện hồi lớp 2 trong sách văn có dạy: "Một cậu bé vẽ hình một con ngựa đang leo núi lên bức tường của nhà trường rồi hỏi người lớn cháu vẽ có đẹp không? Người lớn đáp, cháu vẽ đẹp nhưng còn có cái không đẹp. Thấy đứa trẻ thắc mắc, người lớn nói tiếp, điều không đẹp là bức tường đã bị vẽ bẩn”. Mã Pí Lèng được công nhận là Danh thắng quốc gia năm 2009, là một trong “Tứ đại đỉnh đèo” của miền Bắc Việt Nam. Việc xây dựng công trình tổ hợp nhà nghỉ, nhà hàng Panorama tại Mã Pì Lèng được các chuyên gia đánh giá là rất phản cảm. Về lý thuyết, khu vực xây dựng nằm ngoài khu vực I và II, nhưng đây là di sản quý do tạo hóa ban tặng được hình thành qua hàng vạn năm và là danh thắng quốc gia, có giá trị lớn về cảnh quan, môi trường, không gian. Việc xây dựng gây phá vỡ cảnh quan thì không có gì có thể bù đắp được.
Một chuyên gia cảnh báo: Người dân cứ thấy địa điểm đẹp có thể sinh lời, kinh doanh là thực hiện chứ họ không nghiên cứu để hiểu việc bảo vệ di sản. Họ chỉ thấy cái lợi trước mắt là làm. Đây không phải vấn đề của riêng Mã Pì Lèng mà là vấn đề chung ở nhiều di tích. Nếu không xử lý nghiêm thì sau này, bao nhiêu công trình khác mọc lên là không thể nói trước. Bài học của Mã Pì Lèng là bài học cho rất nhiều di sản khác đã và đang có nguy cơ mắc phải.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2019 của Bộ VHTT&DL tổ chức ngày 8/10, một lần nữa, câu chuyện của Mã Pì Lèng lại nóng ran với rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho cơ quan quản lý chuyên ngành. Theo Chánh Văn phòng bộ VHTT&DL Nguyễn Thái Bình, khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.
“Quan điểm của Bộ là cho dù doanh nhân, DN hay bất cứ thành phần nào cũng phải thực hiện nghiêm theo pháp luật, xây dựng trái phép ở bất cứ đâu trên đất nước này Bộ VHTT&DL đều không đồng tình. Nhà chúng ta cần sửa rất nhỏ ngay lập tức chính quyền hỏi. Công trình xây 7 tầng không thể không biết được” - ông Bình cho biết. Hy vọng rằng những động thái sau này của các cơ quan chức năng liên quan cũng sẽ mạnh mẽ, quyết liệt như phát ngôn của Bộ VHTT&DL. Chỉ có như vậy mới bảo vệ được danh thắng của quốc gia.