Kinhtedothi - Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập DN (M&A Vietnam Forum 2015) lần thứ 7 với chủ đề “Chờ đón sự bùng nổ” sẽ diễn ra ngày 6/8 tại Trung tâm Hội nghị GEM – TP Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ là động lực làm bùng nổ làn sóng M&A thứ hai tại Việt Nam ngày 6/8.
Trưởng ban tổ chức Diễn đàn M&A Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Đặng Cường
Ngay tại buổi công bố thông tin ngày 16/7, rất nhiều vấn đề như vốn, cổ phần hóa (CPH) DN, chính sách nới room đầu tư... đã được trao đổi.
M&A kỳ vọng từ CPH
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam - dù bị tác động không nhỏ của tình hình thế giới và khu vực, cũng như những yếu tố nội tại, song giai đoạn 2014 - 2018, thị trường M&A Việt Nam bắt đầu bước vào một làn sóng mới, được ghi nhận là làn sóng thứ 2 với tổng giá trị M&A được dự báo lên đến 20 tỷ USD. Mặc dù số liệu thống kê còn khác nhau, nhưng theo Nhóm Nghiên cứu MAF, năm 2014, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam tăng khoảng 20% so với năm 2013, đạt gần 4 tỷ USD. Điều này đã khẳng định, M&A đã và đang là một kênh đầu tư hấp dẫn, một công cụ quan trọng giúp DN, giúp nền kinh tế tái cấu trúc lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế và của từng DN. Bên cạnh đó, các chuyển động chính sách gần đây, cùng với những cam kết CPH của các DN Nhà nước, sự trỗi dậy của các công ty tư nhân trong nước, sự quan tâm của các dòng vốn ngoại đối với các cơ hội đầu tư và M&A tại Việt Nam… được kỳ vọng sẽ là động lực làm bùng nổ làn sóng M&A thứ hai tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tại buổi công bố, TS Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn M&A 2015 cho biết, đây là sự kiện để các bên mua và bán hoặc có nhu cầu tìm kiếm đối tác gặp gỡ, chia sẻ thông tin và bàn thảo các cơ hội hợp tác giữa các tập đoàn, tổng công ty, các DN trong nhiều lĩnh vực khác nhau, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Còn ông Yoshida - Giám đốc điều hành Record thông tin, hiện hầu hết các DN Nhật Bản có đầu tư lớn tập trung ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sắp tới, nhiều DN của Nhật Bản sẽ đầu tư tại các địa phương khác và sẽ hướng tới 7 lĩnh vực chính là DN bán lẻ, nhà hàng, tiêu dùng cá nhân, du lịch, tiêu dùng nhanh, thương mại điện tử, logistic...
DN nội và mối lo đứng ngoài cuộc
Trả lời các câu hỏi của báo chí, đại diện Ban tổ chức, các khách mời cho rằng, chính sách nới room cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tăng lên sẽ là điều kiện khuyến khích các NĐT ngoại tham gia vào các đợt IPO của các DN Nhà nước. Đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra, dù đã đạt được một số thành công trong việc CPH năm 2014, nhưng tư tưởng Nhà nước có giữ cổ phiếu hay không sẽ chi phối rất nhiều thành công của việc này. Lý do kém hấp dẫn NĐT vì họ không nhìn thấy tương lai thanh khoản của cổ phiếu khi họ đầu tư vào sau CPH. Về thị trường tài chính, TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, DN việt còn yếu chưa đủ hấp thụ được. M&A không chỉ thuần túy qua thị trường chứng khoán, một kênh khác rất quan trọng là qua các cổ đông chiến lược nước ngoài... Việc các DN, NĐT không muốn công bố thương vụ là vì có những bí mật trong kinh doanh và chỉ công bố khi đã đàm phán xong.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty AVM Vietnam Đặng Xuân Minh cho rằng, có nhiều khó khăn, thách thức cho sự bùng nổ như sự cạnh tranh rất gay gắt từ các nước, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực ASEAN về việc thu hút vốn đầu tư thông qua con đường M&A. Mặc dù các DN và NĐT trong nước rất muốn thực hiện M&A để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nhưng việc thiếu vốn đã khiến cho các kế hoạch đó không thể thực hiện được thương vụ. Bên cạnh đó, chất lượng DN nội chưa cao, bởi đa số là DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên, thuận lợi Việt Nam là đã và đang tham gia vào các hiệp định TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN… cùng sự trỗi dậy của các DN tư nhân, CPH DN Nhà nước sẽ đem lại nguồn hàng lớn, nên các NĐT sẽ tìm kiếm được nguồn vốn để thực hiện thương vụ.
Chia sẻ về thể chế, đặc biệt là Luật DN có ảnh hưởng thế nào đến M&A? Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) Trần Thị Hồng Minh cho biết, Luật Đầu tư, Luật DN sửa đổi có hiệu lực tạo một cơ hội lớn cho DN tham gia vào hoạt động kinh doanh nói chung, riêng về M&A, luật cũng có những quy định hết sức cụ thể về điều này để tạo thuận lợi cho DN nâng cao sức cạnh tranh.