70 năm giải phóng Thủ đô

Mắc kẹt trong ngôi nhà mình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ quái một điều, nếu cho những hộ dân đã mua những căn nhà tái định cư cũ nát, xuống cấp một cơ hội: "Có chọn mua nhà tái định cư như thế này nữa không?". Thì câu trả lời chắc chắn vẫn là "Có" dù biết là sẽ bị "mắc kẹt" tại chính trong ngôi nhà mới của mình.

Cùng trong một tiếng tơ đồng…

Những chủ nhân của các chung cư tái định cư Đền Lừ 2, quận Hoàng Mai hiện đang thực sự "tháo chạy" khỏi khu chung cư này. Tờ rơi rao bán nhà dán trắng những bức tường lở loét. Mải chăm chú xem các tờ rơi bán nhà dán trên bức tường ốp đá khu nhà A3, ông bảo vệ nhắc: "Đứng xa ra, không thấy gạch ốp tường bị bong lở chi chít đấy ư? Gạch ốp tường rơi vào đầu thì đừng trách".

Vào đến cầu thang thì gặp ngay hình ảnh cô đọng của cái gọi là: "Chung cư tái định cư": Tờ rơi bán nhà dán luôn cửa thang máy, bên cạnh tờ giấy cảnh báo thang máy kém chất lượng, lại kèm thêm thông báo nhắc các hộ dân đóng tiền sửa chữa những hư hỏng thường xuyên của khu chung cư.
Ông Dương Văn An với nỗi niềm của người bị "mắc kẹt" trong nhà tái định cư của chính mình. Ảnh Nam Hải
Ông Dương Văn An với nỗi niềm của người bị "mắc kẹt" trong nhà tái định cư của chính mình. Ảnh Nam Hải
Khu này do ông Dương Văn An làm tổ trưởng, ông bảo: "Cần gì phải đến bây giờ, nhận nhà là biết chất lượng nhà là đồ "hàng mã" rồi. Toàn bộ khu Đền Lừ này, khi vừa đến ở, mới đóng đinh treo cái ảnh trên bàn thờ, một mảng vữa to tướng đã rơi xuống, bụi mù mịt. Nền nhà gạch bong rồi vỡ ngay chỗ chân giường khi kê chiếc giường đầu tiên… Để có thể ở được, những hộ dân ở đây phải trát lại tường, lát lại gạch và thay toàn bộ trang thiết bị trong nhà vệ sinh. Đó là thủ tục bắt buộc để đến nơi ở mới.

Còn đến bây giờ thì đủ kiểu hỏng hóc, đủ kiểu nguy hiểm phát sinh, bể phốt bị vỡ, cầu thang máy hỏng, cầu thang thoát hiểm không có điện tối như hũ nút… Thế nhưng, nếu được một lần nữa mua những chung cư thế này, họ vẫn sẵn sàng mua tiếp. Đơn giản là giá mua theo diện tái định cư này thấp hơn hẳn so với thị trường. Cứ mua rồi bán lại cũng kiếm được một khoản chênh lệch.

Tại khu tái định Đền Lừ này, giá chênh lệch so với thị trường ngay trong những ngày đầu nhận nhà đã gần gấp đôi. Trên thực tế, tại khu A3 này, ông Dương thống kê cho biết: Hơn 50% người được mua theo diện tái định cư đã bán nhà ở đây, hưởng chênh lệch và chuyển đi nơi ở khác. Như vậy, đủ biết nhà tái định cư là miếng bánh béo bở chứ không phải chỉ sinh ra để phục vụ nhu cầu tái định cư thật sự. Và trong một phạm vi nào đấy có thể nói, nó lại càng làm tăng khoảng cách giàu nghèo.

Những người nghèo, lao động tự do sau khi nhường đất để xây công trình cầu Vĩnh Tuy rộng nhất Việt Nam giờ đang loay hoay với cuộc sống chật hẹp tại nơi tái định cư với nỗi buồn thất nghiệp, nhà xuống cấp, tương lai mờ mịt… Họ thực sự đã bị "mắc kẹt" trên chính căn nhà của mình.

Để sự cống hiến không bị tổn thương

Một vòng tròn luẩn quẩn nhưng đảm bảo lợi ích của tất cả những người liên quan đã khiến nhà tái định cư xuống cấp, đời sống dân tái định cư bấp bênh nhưng vẫn tồn tại và tiếp tục "đẻ" thêm ra. Đối tượng chính là người được tái định cư, nếu là người nghèo thì đành phải chấp nhận việc "méo mó có hơn không", với người có điều kiện kinh tế thì đó là cơ hội mua nhà giá thấp để bán lại kiếm chênh lệch.

Như vậy để thoát khỏi vòng luẩn quẩn nhà tái định cư chất lượng thấp này, chắc chắn phải có mức đền bù, hỗ trợ thỏa đáng thì lúc đó, tự mỗi người dân sẽ lo được nơi tái định cư tốt cho mình. Nhà tái định cư hiện nay bị "ấn định" phải ở một khu tái định cư nhất định, xa lạ với nơi ở cũ, tách xa địa bàn mưu sinh, dẫn đến cuộc sống bấp bênh... Do đó, Bộ Xây dựng đang đề xuất quy định người được bồi thường, hỗ trợ bằng nhà đất sẽ được giao cho một "suất" nhà ở và họ có quyền chọn lựa căn hộ ở các dự án trong danh sách cho phép của cơ quan chức năng.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phân tích, việc giao "suất" này sẽ giúp cho người dân được tự chọn căn nhà phù hợp nhất với họ, từ đó tránh hiện tượng tiêu cực mua bán suất nhà tái định cư hiện nay; đồng thời làm tăng tính cạnh tranh của loại hình nhà ở phục vụ mục đích này, vì khi người dân có sự lựa chọn, họ sẽ chọn những dự án có chất lượng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt hơn.

Đề xuất của Bộ Xây dựng cần được biến thành chương trình hành động ngay để Hà Nội và các TP lớn khác không còn những khu tái định cư chất chứa bao tiếng thở dài dồn nén. Việc làm ấy không chỉ giải quyết khó khăn đời sống cho những hộ dân đã, đang nhường đất cho các công trình lớn. Việc làm cần thiết này còn có tác dụng to lớn làm yên lòng dân, thúc đẩy lòng tự nguyện cống hiến, tháo gỡ khó khăn cho Hà Nội trong những lần giải phóng mặt bằng sau này, để Thủ đô trên đường dựng xây sẽ không còn bị những rào cản không đáng có.