70 năm giải phóng Thủ đô

Mạch nguồn nuôi dưỡng hồn cốt văn hóa Thủ đô

TS Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ ngày 10/10/1954, người Hà Nội tưng bừng cờ hoa đón đoàn quân chiến thắng trở về, đến nay đã tròn 70 năm.

Thời gian trôi đi như không muốn chờ đợi ai! May sao, “cái còn lại là văn hóa” đã cho ta nền tảng cảm xúc và nhận thức về “chốn kinh sư muôn đời”. Cảm xúc đánh thức chúng ta về mọi mặt của đời sống con người. Nhận thức giúp ta suy ngẫm về những điều đã qua và hình dung về những điều sắp tới. Trong cái ào ạt, bộn bề thú vị ấy, tôi dừng lại trong cảm xúc và nhận thức về thời gian và không gian đô thị với góc nhìn văn hóa Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Hồn cốt văn hóa người Hà Nội

Ngày hôm nay, đứng giữa Quảng trường Cách mạng tháng Tám vào lúc không có xe cộ chạy qua, cảm xúc bỗng tràn về. Chúng ta như đứng giữa không gian xưa, không gian của cuộc biểu dương lực lượng Nhân dân khát khao giải phóng đã làm nên lịch sử ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thẳng Tràng Tiền rồi vòng phải quanh hồ Hoàn Kiếm, từ Đinh Tiên Hoàng sang Lê Lợi, rồi vào Tràng Thi để ngược lên đường Điện Biên, đến Cột cờ rồi lên Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập… chúng ta như nghe tiếng vọng của lịch sử chốn kinh sư ngàn năm dội về.

Không gian xưa và nay lần lượt hiện lên như thước phim quay chậm đầy ấn tượng. Người Thăng Long xưa với những cành đào tươi thắm đón người anh hùng áo vải Quang Trung ăn Tết mừng mùa Xuân chiến thắng. Người Hà Nội năm nào, cờ hoa rực rỡ, tưng bừng đón đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô mà âm hưởng còn mãi đến hôm nay.

Mạch nguồn nuôi dưỡng hồn cốt văn hóa Thủ đô - Ảnh 1Toàn cảnh hồ Hoàn Kiếm năm 1976. Ảnh: Văn Phúc

Vậy là, không gian thực và không gian trong lòng ta tạo nên không gian lịch sử ngàn năm mênh mông, sâu lắng không gì chia cắt được. Dẫu B52, pháo đài bay của không lực Mỹ có muốn biến Hà Nội thành thời kỳ đồ đá; Khâm Thiên, An Dương và nhiều phố phường bị tàn phá, nhưng không thể nào xóa được không gian Hà Nội trong lòng người Thủ đô Anh hùng.

Phố phường lại hồi sinh để chúng ta có hôm nay, không gian Hà Nội thân thương, quyến rũ đến nao lòng. Phải chăng cái không gian ấy, không chỉ là phố phường, nhà cửa mà còn là không gian lịch sử, văn hóa, cái không gian không nhìn thấy nhưng bền chặt trong lòng chúng ta, trong lòng người Hà Nội, để du khách gần xa nể phục và ngưỡng mộ? Những tên phố xưa: Hàng Đậu, Hàng Khoai, Hàng Hành, Hàng Mắm… giản dị biết bao, lắng hồn núi sông ngàn năm mà tạo nên cái không gian văn hóa trường tồn không gì có thể thay đổi. Phải chăng có gì bất biến trong cuộc đời này? Chắc không phải thế.

Trong cái không gian đô thị tưởng như bất biến ấy có cuộc sống con người sinh động, phong phú, đầy sắc màu như nó phải thế. Và vẫn thanh lịch, tinh tế như người Hà Nội. Cái thanh lịch, tinh tế vẫn vậy nhưng không phải là “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”! Cuộc sống sôi động hôm nay không dung nạp cái thanh lịch cũ kỹ ấy.

Tự hào được là người Hà Nội

Tuy nhiên, Hà Nội cũng không chấp nhận sự xô bồ, ẩu thả dẫu nhịp sống có phần gấp gáp. Đấy chính là văn hóa người Hà Nội, cái phẩm chất đặc hữu đã có, đang có và cần phải có của người Hà Nội. Vậy là, không gian và thời gian cùng ký ức con người hòa quyện với nhau mà làm nên hồn cốt văn hóa của Thăng Long - Hà Nội. Cái không gian đô thị mà hàng ngày chúng ta nhìn thấy thật đúng nghĩa thực của cụm từ “thay da, đổi thịt”.

Những khu đô thị mới, những nhà cao tầng hiện đại làm cho ai đó xa Hà Nội mươi năm phải ngỡ ngàng. Du khách nước ngoài cũng không thể hình dung nổi một Hà Nội, một Việt Nam thu nhập chưa cao mà giàu và hiện đại thế. Những người lần đầu đến trung tâm Hà Nội, tham gia đi bộ nơi phố cổ, lại thú vị với không gian xung quanh hồ Hoàn Kiếm cổ kính mà tươi mới.

Đây là cầu Thê Húc đỏ tươi đón nắng mai, kia là mái cong đền Ngọc Sơn ẩn mình trong các lùm cây xanh ngát, chim về đây làm tổ “hồn nhiên” làm bạn với con người. Tháp Rùa soi bóng nước hồ xanh. Lộc vừng thả những cánh hoa như muôn vạn chiếc thuyền nhỏ xíu lướt trên mặt nước. Thật khó có thể từ chối một không gian văn hóa như thế. Lại nữa, những người nặn tò he thật khéo léo và giàu sức tưởng tượng. Những bà bán phở gánh, bún gánh vừa nhanh nhẹn vừa hiếu khách… Tất cả, tất cả… quyện lại thành cái văn hóa Hà Nội càng kể càng thấy thiếu.

“Ba năm dồn lại một ngày dài ghê”, thời gian là thế đó! Nó có thể dồn lại, giãn ra, có thể lắng đọng và cũng có thể lan tỏa, tùy vào lòng chúng ta. Không gian cũng vậy. Rộng hẹp cũng ở lòng mình. Có nơi rộng mà vẫn bức bối, chật hẹp! Có nơi không rộng mà vẫn thoáng đãng, mênh mông. Thời gian và không gian Hà Nội nói cho đúng lòng mình sao khó đến thế.

70 năm văn hóa Hà Nội biết bao đổi thay có thể gói ghém bằng mấy dòng chữ được chăng? Văn hóa đâu chỉ có thời gian và không gian. Tôi mượn sức chứa tưởng như vô hạn của nó để nói về những điều hữu hạn mà mình có được. Nó thức tỉnh chính mình và ai đó nữa hãy cùng nhau gìn giữ nét đẹp văn hóa đặc hữu của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Để rồi “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn hướng về Hà Nội… Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu! Một thời đạn bom, một thời hòa bình!”.

Khép lại mạch cảm xúc, sao tôi vẫn thấy thời gian và không gian Hà Nội như mạch nguồn vô tận nuôi dưỡng niềm hạnh phúc và tự hào được là người Hà Nội!