“Mái ấm” của động vật hoang dã

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khó có thể nói hết bằng lời về tình yêu thương và trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên, người lao động Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội (Trung tâm) dành cho các loài ĐVHD đang được chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo tồn tại mái ấm thân thương này.

“Bảo mẫu” của muông thú
Theo chân chị Trịnh Thị Thu Hằng (bác sĩ chăn nuôi - thú y duy nhất của Trung tâm) thăm khu chuồng trại, nghe chị giới thiệu về “sơ yếu lý lịch” của từng cá thể mới thấy được trách nhiệm, tâm huyết của những người làm nghề cứu hộ ĐVHD thật đáng cảm phục và trân trọng. Gắn bó với Trung tâm nhiều năm, chị Hằng có rất nhiều kỷ niệm với những loài ĐVHD đang được nuôi dưỡng, cứu hộ tại nơi đây. Nghề bác sĩ thú y vốn đã khó, với ĐVHD càng khó hơn vì rất dễ phát sinh tai nạn nghề nghiệp.

Thời điểm giao mùa, những ngày thời tiết nắng nóng, động vật dễ bị mắc các bệnh về hô hấp. Chẳng hạn như các loại chim dễ mẫn cảm với nhiệt độ cao; các loài thú lớn (hổ, gấu…) tắm ở bên ngoài, ngâm nước lâu thường dễ bị cảm lạnh.
 Nhân viên Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội cho cá thể gấu uống sữa. Ảnh: Ánh Ngọc
“Khó khăn nhất là thăm khám, điều trị cho các loài thú dữ. Mỗi lần muốn khám trực tiếp thì phải gây mê hoặc phải điều trị bắn tiêm từ bên ngoài chuồng nuôi nhốt. Tuy nhiên, động vật không nằm yên một chỗ nên không tránh khỏi việc bắn hỏng, bắn không trúng mục tiêu, phải thao tác nhiều lần mới thành công” – chị Hằng chia sẻ.

Cũng theo chị Hằng, nhân viên, công nhân chăm sóc các loài ĐVHD ở đây thuộc như lòng bàn tay tên, tuổi, tính nết của từng cá thể. Đặc biệt là những cá thể được Trung tâm tiếp nhận từ lúc còn non nớt, đỏ hỏn. Ấn tượng nhất là chú vượn đen má vàng tên Tí, vừa tròn 6 tháng tuổi. Từ ngày về với Trung tâm (tháng 1/2021) đến nay, ngày nào Tí cũng được nhân viên chăm sóc tỉ mỉ, cho uống sữa 3 giờ/lần. Vượn con cũng giống như em bé, rất thích ôm ấp, hít hà chơi với thú nhồi bông. Thấy bóng dáng, nghe tiếng của người quen là tỏ vui mừng rối rít và chỉ uống sữa, ăn thức ăn khi đúng người quen cho ăn...

Nhiều động vật hoang dã quý hiếm thoát nguy cơ tuyệt chủng

Tại Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội, các chuồng thú được xây dựng sát nhau, phù hợp môi trường sống của từng loài. Mỗi chuồng nuôi đều có gắn bảng nội dung ghi rõ tên, đặc điểm của từng loài. Nơi đây thực sự là ngôi nhà thứ hai của hàng trăm loài ĐVHD.
Mỗi cá thể đều được theo dõi và giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe thường xuyên. Môi trường nuôi dưỡng, bảo tồn lý tưởng của Trung tâm đã và đang giúp một số loài ĐVHD quý hiếm thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Bên cạnh đó, Trung tâm còn có phòng chăm sóc đặc biệt, trang bị điều hòa, quạt mát dành riêng cho những cá thể non nớt, bị tổn thương hay bị bệnh nặng cần điều trị tích cực.

Theo Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng, điều quan trọng là cứu chữa, chăm sóc nhưng không làm mất đi bản tính hoang dã của các loài để khi thả lại môi trường tự nhiên chúng dễ dàng hòa nhập, thích nghi.
Đối với những cá thể bị nuôi nhốt lâu không đủ điều kiện sinh tồn như mất tập tính hoang dã, mất chức năng vận động được chuyển vào khu phục hồi chức năng. Tại đây, Trung tâm có những phương pháp để phục hồi tập tính sinh thái và chức năng vận động cho chúng, rồi đưa ra khu thả bán hoang dã một thời gian để thích nghi dần, sau đó mới thả ra môi trường tự nhiên.

Công việc vất vả, trong khi đó mặt bằng của Trung tâm luôn trong tình trạng quá tải vì số lượng ĐVHD phải cứu hộ rất lớn. Tuy nhiên, khó khăn không làm cho hoạt động của Trung tâm bó hẹp mà nơi đây vẫn trở thành một trong 4 trung tâm cứu hộ ĐVHD có uy tín và hiệu quả cao trong cả nước.

6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội đã tiếp nhận 53 vụ với 438 cá thể ĐVHD và 47kg rắn, tăng hơn 76% so với cùng kỳ năm 2020; tổ chức điều trị 50 đợt cho 930 lượt cá thể ĐVHD bị mắc các bệnh viêm da, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhiễm trùng vết thương…