Học sinh trường THCS Ngô Sỹ Liên đến tham quan, tìm hiểu lịch sử tại di tích nhà số 5D Hàm Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Thủy Tiên |
Dấu ấn lịch sử
Bên trong “địa chỉ đỏ” này, các tư liệu, hiện vật lịch sử được sắp xếp theo chủ đề và được trưng bày hết sức trang trọng. Nồng nhiệt giới thiệu với chúng tôi, chị Trần Thị Tình (cán bộ Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội) cho biết: Bộ tràng kỷ được bày ngay ngắn trong gian nhỏ của nhà 5D chính là nơi mà các cán bộ trong nhóm cộng sản đầu tiên bàn bạc, thảo luận những vấn đề đấu tranh cách mạng. Ngôi nhà 5D Hàm Long là một trong số 4 nhà 5A, 5B, 5C, 5D cùng dãy nhà gạch một tầng của một gia đình tư sản cho thuê. Riêng nhà 5D có lợi thế, bởi bên trái giáp một ngõ hẻm nhỏ thông sang phố Lê Văn Hưu. Nhờ địa thế này đã giúp các đồng chí ra vào, hoạt động an toàn hơn trong những ngày đầu cách mạng.
Lật giở lại từng trang tài liệu lịch sử, hơn 90 năm trước, vào những năm đầu thế kỷ XX, sự phát triển của phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã đặt ra một yêu cầu bức thiết phải thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân. Nhận thấy sự bức thiết đó, vào một đêm tháng 3/1929, những thanh niên tiên tiến trong Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội đã bí mật họp ở số nhà 5D Hàm Long, Hà Nội, thành lập tổ chức cộng sản đầu tiên ở trong nước. Chi bộ 5D Hàm Long gồm 8 người, trong đó nòng cốt là các đồng chí: Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc... Đồng chí Trần Văn Cung được bầu làm Bí thư chi bộ. Chi bộ đã đề ra một số nhiệm vụ trước hết là tiến tới thành lập Đảng Cộng sản, việc phát triển tổ chức công hội, nông hội, việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin; lựa chọn những hội viên thanh niên, bồi dưỡng cho việc thành lập Đảng Cộng sản.
Ngay sau khi ra đời, chi bộ đã tích cực đi sâu vào quần chúng công nông để tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lênin, xây dựng và phát triển tổ chức, ra sức lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Ba tháng sau, ngày 17/6/1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, tổ chức cộng sản Bắc Kỳ - Đông Dương Cộng sản đảng chính thức được thành lập. Chính cương và tuyên ngôn của Đảng được công bố. Chi bộ 5D Hàm Long đã trở thành nòng cốt của Đông Dương Cộng sản đảng, góp phần quan trọng vào sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để sau đó, ngày 17/3/1930, tại số nhà 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Thành bộ Hà Nội được thành lập.
Sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam tại Hà Nội vào tháng 3/1929 là thắng lợi quan trọng của tư tưởng vô sản trong cuộc đấu tranh với tư tưởng phi vô sản và các xu hướng quốc gia khác. Để tiến tới thành lập và hợp nhất 3 tổ chức Đảng: “Đông Dương cộng sản Đảng, An Nam cộng sản Đảng, Đông Dương cộng sản Liên đoàn” thành “Đảng Cộng sản Việt Nam”, ngày 3/2/1930, sự kiện có ý nghĩa quyết định quan trọng đối với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Sự kiện này cũng thêm một lần nữa khẳng định, Hà Nội luôn là nơi phát sinh, phát triển những tư tưởng tiến bộ mới, các phong trào cách mạng trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Nơi giáo dục truyền thống cách mạng
Năm 1960, nhà số 5D phố Hàm Long được khôi phục thành nhà lưu niệm trưng bày các tài liệu, kỷ vật gắn liền với sự ra đời và hoạt động của Chi bộ 5D Hàm Long. Bộ tràng kỷ, bộ ấm tích, 4 ghế đẩu, một giường gỗ, 2 hòm gỗ, nồi chảo, bát đĩa… là những hiện vật đã được phục chế. Nhà số 5D phố Hàm Long đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa năm 1964. Năm 2000, nhà số 5D phố Hàm Long tiếp tục được tu bổ, khôi phục diện mạo như thời điểm ra đời Chi bộ Cộng sản đầu tiên.
Trong suốt nhiều năm qua, nhà số 5D Hàm Long trở thành nơi lưu giữ một trang sử đáng nhớ của Thủ đô, là “địa chỉ đỏ” của đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước mỗi dịp đến Hà Nội. Nơi đây là địa chỉ đặc biệt để một số cơ quan tổ chức kết nạp đảng viên mới đảm bảo vừa trang trọng vừa ý nghĩa. Đáng chú ý, đây cũng là nơi những tái hiện sinh động kiến thức lịch sử của các bạn học sinh, là trường học cách mạng để các thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về truyền thống yêu nước, anh dũng, kiên cường, bất khuất của Thủ đô và đất nước.