Mai một nghề thêu ở Thượng Lâm

Bài, ảnh: Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sản phẩm thêu tay truyền thống của xã Thượng Lâm (huyện Mỹ Đức) từng nức tiếng một thời bởi nét tinh xảo, mềm mại được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tuy nhiên, trước sự thay đổi của nền kinh tế thị trường hiện nay, nghề thêu ở Thượng Lâm đang đứng trước nguy cơ mai một. 
Một thời hoàng kim
"Ngày ấy, trong xóm ngoài làng ai cũng làm thêu. Cái sân kho của HTX lúc nào cũng nhộn nhịp chẳng khác gì ngày hội khi có đến cả trăm người ngồi thêu chật kín sân" - Bí thư Đảng ủy xã Thượng Lâm Nguyễn Mạnh Hùng mở đầu câu chuyện về nghề thêu của xã. Ông Hùng kể, nghề thêu manh nha ở Thượng Lâm vào năm 1976. Khi đó, xã mời một số thợ lành nghề ở làng nghề thêu Quất Động (Thường Tín) về dạy nghề cho Nhân dân trong xã. Giai đoạn 1980 – 1990 được coi thời kỳ hưng thịnh nhất của làng nghề khi cả xã làm không hết việc để kịp trả các đơn hàng thêu quần áo xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Sau năm 1990, thị trường xuất khẩu khó khăn nên người làm nghề thêu Thượng Lâm chủ yếu chỉ phục vụ nhu cầu thị trường trong nước. 

Thêu tay truyền thống một bức tranh tại cơ sở thêu Oanh Cảnh, xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức.

Nhờ cần cù, sáng tạo và đa dạng các mặt hàng thêu từ quần áo đến tranh, mành, trướng... nên hàng thêu của Thượng Lâm vẫn được khách hàng ưa chuộng và thường xuyên đặt hàng. Tuy nhiên, trước sự thay đổi của cơ chế thị trường, của thị hiếu khách hàng mà nghề thêu ở Thượng Lâm đang đứng trước nguy cơ mai một. Sự ra đời của các mặt hàng thêu vi tính với giá rẻ hấp dẫn đã cạnh tranh mạnh với sản phẩm thêu tay truyền thống. Bởi lẽ, để sở hữu một bức tranh thêu vi tính, khách hàng chỉ cần bỏ ra số tiền bằng một nửa chi phí so với bức tranh thêu tay cùng loại. Vậy là, từ chỗ cả xã làm nghề, đến nay, số hộ duy trì nghề thêu ở Thượng Lâm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, nhưng cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Thị trường tiêu thụ khó khăn, việc làm ít, thu nhập bấp bênh nên đa phần người dân Thượng Lâm không thể trụ lại với nghề thêu. Họ phải tìm kiếm nhiều việc làm khác để có tiền trang trải cuộc sống như phu hồ, chạy chợ… Khoảng 3 năm trở lại đây, nghề may công nghiệp phát triển mạnh ở địa phương đã thu hút đông đảo lao động trẻ tham gia với mức lương từ 3,5 – 4 triệu đồng/tháng.
Những người níu giữ nghề
Cơ sở thêu Oanh Cảnh là một trong số ít hộ còn bám trụ với nghề thêu. Bà Lê Thị Oanh – chủ cơ sở cho biết, những năm đông khách, chạy hàng, có lúc gia đình bà phải huy động tới 500 thợ. Thậm chí từ sáng đến tối, bà Oanh chỉ làm mỗi việc phát chỉ và vải cho thợ. Với gần 40 năm kinh nghiệm, bà Oanh luôn dành trọn tâm huyết cho nghề thêu tay truyền thống. Mở xưởng từ năm 2000, đến nay, xưởng thêu của gia đình bà Oanh vẫn duy trì hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động với mức lương 100.000 đồng/ngày công.
Mặc dù hàng không bán chạy như trước nhưng nhờ làm ăn uy tín mà sản phẩm thêu của gia đình bà Oanh vẫn được nhiều đại lý, cửa hàng tranh ở Hà Nội và một số tỉnh, thành khác như Hải Phòng, Hải Dương, Việt Trì, Thanh Hóa... đặt hàng. Theo bà Oanh, hiện nay, nhu cầu của khách hàng chủ yếu tập trung ở các nhóm tranh chính: Phong cảnh, hoa lá, chim muông... Giá cả thì cũng tùy loại, tùy kích thước của tranh. Đối với bức hoa lá chim muông, gia đình thêu sẵn hàng trăm bộ vì mặt hàng này có thể bán túc tắc quanh năm. Còn những bức phong cảnh đòi hỏi kỹ thuật thêu tinh xảo, khổ lớn, giá trị cao thì chỉ khi nào có khách đặt hàng mới nhận làm.  
Được biết, lớp thợ thêu cùng trang lứa với bà Oanh năm nay đều đã gần 60 tuổi. Họ nặng lòng với nghề nhưng vì lý do sức khỏe hoặc bận rộn công việc gia đình nên không thể làm nghề. Còn lớp thanh niên trẻ lại bén duyên với nhiều nghề mới có mức lương khá hơn nên chẳng còn mặn mà với nghề thêu. Tuy nhiên, theo ông Hùng, để giải bài toán giải quyết việc làm cho lao động địa phương dôi dư sau mùa vụ, xã Thượng Lâm mong muốn được các cấp chính quyền TP quan tâm, tạo điều kiện khôi phục nghề thêu tay truyền thống.