Mai vàng đất Bắc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khi còn sống trong ngôi nhà ba gian bố tôi vẫn luôn dành vị trí trang trọng nhất để đặt chậu mai vàng.

Khách đến ai cũng trầm trồ khen sắc hoa vàng hiếm hoi giữa lòng đất Bắc. Bố không cho trang hoàng thêm đèn nháy hay khánh thiệp vì như thế sẽ làm mất đi vẻ đẹp của mai. Năm nào cũng vậy, cứ khoảng hai bảy Tết nhà tôi lại nhận được điện lên dốc huyện đón chuyến xe Bắc Nam để nhận một chậu mai vàng. Tôi trưởng thành theo những tháng năm dài, chậu mai vàng vẫn tô điểm cho mùa xuân trong ngôi nhà của bố. Có những khi bố ngồi lặng lẽ hàng giờ chỉ để ngắm hoa, như thể ông vượt thoát khỏi sắc vàng hiện hữu kia để chìm đắm trong sắc màu hoài niệm. Người chơi hoa có khi chỉ thích nhất lúc hoa đang ủ nụ, đến khi có vài cánh tàn là coi như hết thú. Nhưng bố thì khác, năm nào ông cũng chờ cho những cánh mai tàn vương vãi khắp nhà mới chịu mang chậu mai ra vườn trồng. Cây thì vẫn sống xanh tốt, chỉ có điều những năm sau chúng không bao giờ ra hoa nữa. Tôi hỏi vì sao thì bố bảo chắc tại đất đai, thời tiết không phù hợp. Bà tôi bảo cây cối nó cũng giống con người, không phải đặt đâu cũng đơm hoa kết trái.

Vì không có sự hiện diện của mẹ trong đời sống hai bố con tôi. Nên bố làm thay cả phần của mẹ. Có lần tôi bị thương, ngồi sau xe đạp đường quê xóc lên xóc xuống rất đau nên bố đành cõng tôi ngày hai buổi đến trường. Dựa vào lưng bố suốt quãng đường dài, thấy trên môi mình vị mặn mồ hôi ngấm qua lớp áo lao động bạc màu của bố tôi đã khóc.

Ngày Tết đến nhà chỉ có bà và hai bố con tôi quây quần dọn dẹp, nấu nướng cùng nhau. Mứt gừng thì cay, mứt bí thì ngọt, mứt quất thì chua, bố không thích thứ gì nhưng vẫn làm đủ vị cho con gái nhấm nháp qua những ngày Tết lạnh. Đêm hai bố con ngồi trông nồi bánh chưng nghe con chim quốc gọi bạn ngoài vườn lòng ai cũng buồn những tiếng thiết tha nhau. Buồn nhất vẫn là lúc ngồi bóc hành làm dưa, mắt bố cứ giàn giụa nước. Tôi bảo “mắt con cũng thế này, công nhận bóc hành cay thiệt là cay…”.

Những buổi tối rảnh rỗi, sau khi đã học bài xong tôi hay ra chõng tre ngồi trò chuyện cùng bố. Ông kiên nhẫn trả lời tất cả những câu hỏi “tại sao?” của cô con gái nhỏ. Chỉ duy nhất có một câu hỏi mà bố không bao giờ trả lời ấy là “tại sao con không có mẹ?”. Lần nào tôi hỏi bố cũng chỉ ậm ừ cho qua. Cũng có khi bố lảng tránh câu hỏi đó bằng những cơn say triền miên, hay những giờ lặng câm ngồi bên bậc cửa ngóng vợi ra ngoài ngõ. Lớn lên chút nữa, nhiều lần tôi hỏi bố một cách nghiêm túc về mẹ, thì bố thở dài bảo “chuyện người lớn con nghe cũng chưa chắc hiểu. Nên cứ để sau này khi nào con lớn khôn thêm…”. Từ đó mẹ vẫn luôn là một thế giới bí ẩn tồn tại trong những câu hỏi “tại sao?”
*     *
Bà nội mất. Tôi trở thành thiếu nữ cũng sớm biết lo toan vun vén gia đình. Tôi đủ lớn khôn để hiểu rằng không phải câu hỏi “tại sao” nào cũng cần có một câu trả lời. Rồi tôi cũng biết yêu, nên cũng bắt đầu nghĩ đến chuyện giục bố đi bước nữa. Một hôm tôi bảo bố: Bố xem có ai thương thì đón người ta về ở cùng một nhà cho vui tuổi già. Con sẽ tác hợp mà không ngăn cản gì đâu.

- Chưa gì đã sợ bố già cả rồi làm sẽ phiền con cháu à?

- Không phải vậy đâu bố. Con bây giờ đi xa, cả năm chỉ về thăm bố được vài lần. Lúc bố khỏe thì không sao, chứ lúc trái gió trở trời thì biết cậy nhờ ai. Hơn nữa người ta bảo “con chăm cha không bằng bà chăm ông”, có người bầu bạn chắc bố sẽ vui vẻ mà sống lâu hơn với cháu con.

- Bố già mất rồi… - bố nói rồi trôi vào im lặng. Lần đầu tiên tôi thấy mình mất mát một cái gì quá lớn. Lớn hơn cả câu hỏi: “Vì sao con không có mẹ?”. Phải! bố đã già quá rồi, trên đầu bố sợi trắng đã nhiều hơn sợi đen. Ngoài khu vườn kia đã là mấy chục gốc mai xù xì in vết dấu thời gian cằn cỗi. Mấy chục mùa xuân đã đi qua, mấy chục chậu mai vàng nở rồi tàn lụi, chỉ còn đọng lại chút hương sắc trong kỷ niệm. Bao nhiêu năm qua, cứ mải miết đi tìm lời đáp cho câu hỏi “tại sao” mà tôi quên mất rằng bố ngày một già đi theo quy luật sinh lão bệnh tử đầy khắc nghiệt.

Mỗi năm dường như bố chẳng chờ đợi điều gì ngoài chậu mai vàng gửi về trên chuyến xe Bắc - Nam đúng ngày hai bảy Tết. Tôi chưa từng hỏi bố về những chậu mai vì sợ sẽ chẳng nhận được gì từ câu hỏi ấy. Bởi tôi thấy thương bố, thương cái khoảng lặng cần có riêng cho mỗi con người.
*     *
Mọi năm, dù bận bịu bất cứ công việc gì thì hai bảy Tết bố cũng mặc quần áo chỉnh tề, dắt chiếc xe đạp ra lau chùi rồi đợi đến xế chiều lên dốc huyện chờ nhận chậu mai. Kể cả ngoài trời có mưa gió bão bùng, hay trong người bố không khỏe. Riêng năm nay, gần Tết, nghe tôi bảo: Bố yếu rồi, từ đây lên dốc huyện xa xôi lắm, đường xá đông xe cộ, nên năm nay cứ để con thay bố đi nhận chậu mai.

Bố nghĩ ngợi hồi lâu rồi cũng gật đầu. Có dặn thêm tôi khi buộc mai nhớ cẩn thận không đi đường va quệt sẽ rụng hết hoa. Không hiểu sao khi nghe bố nói vậy, lòng tôi vui buồn lẫn lộn. Vui vì tôi nghĩ nếu trực tiếp đi nhận hoa, tôi sẽ biết được ai là người đã gửi hoa cho bố suốt mấy chục năm trời. Nhưng cũng buồn thay khi nhận ra một thực tế bố đã thấy mình già, chấp nhận mình đã già để nhường lại công việc quan trọng nhất trong cả một năm dài cho người khác.

Chuyến xe Bắc - Nam về muộn hơn mọi hôm, chắc là tại ngày Tết nên đông khách. Tôi chờ từ chiều mà mãi tới tận tám giờ tối xe mới về đến nơi. Lúc này mọi nhà đã quây quần bên nhau để cùng gói bánh chưng, làm vài khoanh thịt đông. Ngoài trời sương đã xuống ướt hết cỏ cây, chiếc áo khoác tôi mặc cũng bắt đầu ngấm sương lạnh buốt. Nghe văng vẳng đâu đó tiếng bà mẹ nào gọi điện giục con về ăn Tết. Người mẹ càm ràm sao hai bảy Tết con nhà người ta đông đủ cả rồi mà con nhà này vẫn chưa thấy mặt mũi đứa nào đâu. Đang mải nghĩ ngợi thì chuyến xe khách đỗ xịch ngay trước mắt. Người chủ xe nhìn thấy tôi với vẻ ngạc nhiên, ông hỏi: Có phải cháu ra nhận chậu mai vàng không?

- Dạ phải!

- Thế ông cụ đâu mà không đi?

- Dạ! bố cháu yếu rồi, đi đường xa mà đứng chờ trong sương giá thế này mấy tiếng đồng hồ chắc là ốm mất.

- Ừ! Mấy chục năm rồi, khi giao chậu mai đầu tiên cho ông ấy tôi mới có hai mươi mà giờ cũng đã già lắm rồi. Đây! Chậu mai của cô đây, cô nhận cho. Phải vất vả lắm chúng tôi mới vận chuyển được nó mà không bị gãy nát. Thú thực tiền công vận chuyển không bõ công sức của chúng tôi. Nhưng mà nể cái tình nghĩa mấy chục năm trời, thời thế có biết bao đổi thay mà con người ta vẫn giữ được cái thói quen gửi cho nhau một chậu hoa ngày Tết nên tôi mới nhận chuyển.

- Dạ thưa đúng vậy ạ. Nhưng… Cháu có thể hỏi chú một việc được không?

Người lái xe ngước lên nhìn tôi bằng vẻ mệt mỏi. Chẳng mấy chốc rồi ông cũng già như bố tôi, có lẽ những chuyến xe xuyên Việt là quá sức với độ tuổi của ông. Ý nghĩ ấy làm lòng tôi chùng xuống.

- Cô định hỏi xem ai là người gửi những chậu mai vàng cho bố cô hàng năm đúng không? Một người đàn bà. Hai mươi năm rồi cũng già đi nhiều lắm, tóc bạc pha sương, lưng còng mắt mỏi lắm rồi. Mà vừa nãy, lúc nhìn thấy cô đứng đây tôi hơi giật mình. Cô rất giống người đàn bà gửi chậu mai này của hai mươi năm về trước. Giống lắm! Bây giờ vẫn giống.

Tôi chở chậu mai về nhà, lòng bộn bề nghĩ suy. Lẽ nào linh cảm của tôi là đúng. Người gửi chậu mai này phải chăng chính là mẹ. Vậy thì đằng sau những chậu mai vàng hẳn sẽ là một câu chuyện rất dài. Hàng loạt những câu hỏi tại sao lại vang lên trong tâm trí tôi. Tại sao mẹ còn sống lại rời bỏ hai bố con tôi? Tại sao lại gửi mai vàng về đây vào mỗi khi Tết đến? Tại sao không một lần mẹ tìm gặp lại tôi, đứa con mẹ mang nặng đẻ đau lẽ nào dễ dứt tình máu mủ? Và… Tại sao chưa khi nào bố kể cho tôi nghe về mẹ? Tại sao?

Bố dường như đã đọc được những suy nghĩ trong tôi. Sau khi đỡ chậu mai xuống đặt trong nhà, hai bố con ngồi lặng lẽ bên nhau khá lâu. Trong ánh lửa bập bùng tôi nhìn mái đầu bố bạc mà thương. Bố đi gần hết cuộc đời trong sự cô đơn khi không có một người đàn bà bầu bạn sớm khuya. Bất giác tôi quay sang hỏi:

- Nhiều năm rồi tại sao mẹ không về thăm bố con mình lấy một lần?

- Có thể vì mẹ con sợ gặp lại những ký ức đớn đau mà bà ấy đã trải qua. Những tháng ngày nghèo khổ, bố làm ăn thất bát rồi chìm đắm trong hơi men. Đớn hèn thay chỉ biết về nhà trút lên đầu vợ bằng những trận đòn thâm tím mặt mày. Nếu phải nhận sự tha thứ từ phía con thì bố mới là người phải nhận. Con đừng trách bà ấy mà tội nghiệp. Có những chuyện phải đi hết cả một đời người con mới có thể hiểu ra.

Tôi ngậm ngùi, buột miệng nói với bố mấy lời mà sống mũi cay xè: Chắc là bố nhớ mẹ lắm đúng không?

- Phải! Nhớ lắm…

Tôi quay đi vì cảm giác đớn đau thắt nghẹn. Tôi thương bố hơn lúc nào hết, thương quãng đời mấy chục năm gà trống nuôi con. Thương cả những lỗi lầm tuổi trẻ mà bố phải trả giá bằng cả phần đời còn lại. Và mẹ tôi ở phương trời xa xôi hẳn cũng giày vò bởi nhớ nhung, đơn lạnh. Tình yêu cũng như mùa xuân vậy, trong cái giá lạnh tưởng sẽ lụi tàn vậy mà vẫn nảy nở đơm chồi. Như bố mẹ tôi sống cả đời bằng nỗi đau quá khứ nhưng vẫn dành cho nhau ấm áp sắc mai vàng. Sự ly biệt này thật ra cũng đâu quá đau thương. Con người ta đôi khi chỉ cần sống bên nhau qua tâm tưởng là đã thấy được an ủi phần nào. Như bây giờ qua ánh lửa bập bùng, tôi ngắm chậu mai vàng và thấy như mẹ đang hiện diện ở nơi đây. Với tôi, mùa xuân thật sự đã bắt đầu trong chính giây phút ấy…