Vốn đã gặp vô vàn khó khăn tài chính, Malaysia Airlines đang khiến giới phân tích e ngại về khả năng hồi phục sau hai tai nạn liên tiếp.
"Triển vọng của Malaysia Airlines thật tồi tệ", ông Mohshin Aziz, chuyên gia về ngành hàng không của ngân hàng Maybank nói với Time. Ông lo ngại hãng khó có thể vượt qua năm khó khăn này nếu xét tình hình tài chính hiện nay.
Chính phủ Malaysia từng kỳ vọng và đầu tư nhiều tiền của để hãng hàng không quốc gia của mình có thể cạnh tranh giành danh hiệu tốt nhất khu vực. Nhưng những gì Malaysia Airlines thể hiện thời gian qua đang đi theo chiều ngược lại. Chi phí vận hành quá cao, khiến hãng không thể cạnh tranh về giá vé với các hãng bay giá rẻ như AirAsia - cũng đang đặt trụ sở ở Kuala Lumpur.
Trong khi đó, uy tín cũng như chất lượng dịch vụ chưa đủ để Malaysia Airlines bán vé đắt hơn và nâng vị thế ngang với các hãng hạng sang trong khu vực như Singapore Airlines hay Cathay Pacific của Hong Kong. Vì thế mà nhiều năm qua, hoạt động kinh doanh của hãng không mấy sáng sủa. Công ty mẹ của Malaysia Airlines lỗ tổng cộng 1,4 tỷ USD từ năm 2011 đến nay.
Giờ đây, ngay cả khi lạc quan nhất, hãng cũng phải đối mặt với 2 kịch bản tệ hại. Nếu khách đồng loạt tẩy chay sau ám ảnh tai nạn, hãng sẽ phải giảm giá vé, đồng nghĩa với việc tiếp tục sụt giảm doanh thu. Ở kịch bản này, tài chính của Malaysia Airlines sẽ bị đẩy đến điểm nguy hiểm và chẳng khác nào quả bom chờ giờ phát nổ, theo Daniel Tsang - sáng lập viên của hãng tư vấn Aspire Aviation (Hong Kong) nói.
Chuyên gia Maybay - ông Moshin Aziz cho rằng Malaysia Airlines sẽ phải thu hẹp đáng kể quy mô hiện tại, có lẽ nên cắt phần lớn tuyến bay quốc tế, tập trung vào các tuyến lợi nhuận cao hơn. “Họ sẽ không bao giờ quay lại được quy mô lớn như trước đây. Càng sớm chấp nhận sự thật này, mọi chuyện với họ sẽ càng tốt đẹp”, ông nhận định.
Còn nếu Malaysia Airlines chọn phá sản, đây sẽ là vụ phá sản hàng không lớn nhất thế giới về giá trị, kể từ sau AMR (Mỹ) năm 2011, theo Bloomberg. Daniel Tsang - nhà sáng lập hãng tư vấn Aspire Aviation đánh giá đây là lựa chọn “khá tốt” với Malaysia Airlines. Việc này có thể giúp họ tránh nhiều chi phí pháp lý và tăng tính cạnh tranh.
Dù vậy, chuyện gì xảy đến tiếp theo sẽ còn tùy thuộc vào Chính phủ Malaysia. Khazanah Nasional là quỹ đầu tư của Chính phủ, và vì vậy, tương lai của Malaysia Airlines lại là vấn đề chính trị. Công đoàn hùng mạnh của hãng này từ trước đến nay vẫn phản đối rất quyết liệt các kế hoạch cải tổ của ban lãnh đạo. Vì vậy, giới phân tích cho rằng việc giải cứu Malaysia Airlines lần này sẽ cần can thiệp chính trị khá nhiều. “Việc cải tổ sẽ rất đau đớn với nhiều người. Nhưng sự sống vẫn có thể nảy sinh từ cái chết”, Tsang cho biết.
Cổ phiếu của Malaysia Airlines đã giảm 34% trong năm nay và được 13 trong 15 nhà phân tích tại Bloomberg đánh giá nên bán. Hãng niêm yết trên sàn chứng khoán Malaysia từ năm 1985. Hiện tại, Khazanah Nasional - quỹ đầu tư của Chính phủ Malaysia và công ty con của quỹ này - Penerbangan Malaysia đang nắm khoảng 70% cổ phần tại đây.
Tuần này, hãng sẽ trình kế hoạch tái cơ cấu lên công ty mẹ - Khazanah Nasional, với các lựa chọn từ quốc hữu hóa đến phá sản. Nếu lựa chọn quốc hữu hóa, Khazanah Nasional sẽ phải chi khoảng 315 triệu USD (theo giá đóng cửa mới nhất) để mua nốt 31% cổ phần còn lại của Malaysia Airlines.
"Đây chính là một mũi tên trúng nhiều đích. Họ có thể thực hiện các cải tổ toàn diện và nhân cơ hội này tái định vị thương hiệu", Terence Fan - Giáo sư tại Đại học Quản lý Singapore cho biết.
Malaysia Airlines có thể là vụ phá sản hàng không lớn nhất 3 năm. Ảnh: Bloomberg
|
Malaysia Airlines đã lỗ 4,13 tỷ ringgit (1,3 tỷ USD) trong 3 năm qua. Vụ MH370 biến mất đã hủy hoại danh tiếng và khiến khách hàng Trung Quốc tẩy chay Malaysia Airlines. Trung Quốc là nước có nhiều nạn nhân nhất trong vụ MH370. Quý I năm nay, hãng lỗ nặng nhất trong 9 quý với hơn 443 triệu ringgit. Giới phân tích dự đoán tình trạng này sẽ còn kéo dài đến ít nhất là năm 2016. Trong một năm, tính đến hết tháng 6, tỷ lệ trống trên máy bay của hãng này đã lên 23%, tăng so với 16% năm ngoái. Sau sự biến mất của MH370, Malaysia Airlines còn cân nhắc đặt hàng 100 máy bay từ cả Airbus và Boeing, một nguồn tin cho biết. Hãng cần nhiều máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn để giảm chi phí và cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ như AirAsia. |