Malaysia cân nhắc hạ quỹ đạo vệ tinh sau vụ rơi máy bay MH370

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - MEASAT cho biết việc hạ thấp độ cao là cấp thiết vì vệ tinh là "tai mắt" của quốc gia trên không trung.

Ngày 28/10, hãng thông tấn Bernama của Malaysia dẫn nguồn tin cho biết Công ty hệ thống vệ tinh Malaysia (MEASAT) đã đưa ra gợi ý rằng Malaysia cần hạ thấp quỹ đạo Trái Đất của vệ tinh nhằm giám sát và phát hiện tần số liên lạc sau vụ mất tích của chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) ngày 8/3. 

MEASAT cho biết việc hạ thấp độ cao là cấp thiết vì vệ tinh là "tai mắt" của quốc gia trên không trung.

 
Ảnh chụp vệ tinh trong quá trình tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370. (Nguồn: NASA)
Ảnh chụp vệ tinh trong quá trình tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370. (Nguồn: NASA)
Phó Chủ tịch phụ trách kỹ thuật và hoạt động của MEASAT Zainudin Abdul cho biết, vệ tinh được nằm ở quỹ đạo 300 km so với mặt đất sẽ có một hệ thống camera với độ phân giải cao có thể chụp rõ ràng hình ảnh ở trên không hay biển và không bị cản trở bởi bầu khí quyển của Trái Đất. 

Trong khi đó, hệ thống phát hiện sóng radio có thể giúp phát hiện hoặc gửi tín hiệu rõ ràng hơn tới tàu hay máy bay. 

Hãng thông tấn Bernama dẫn lời ông Zainudin Abdul cho biết: "Trong bối cảnh này, giám sát và theo dõi là hai công nghệ phải có trên các vệ tinh trên quỹ đạo Trái Đất và không gian vũ trụ bởi vì nó có thể đồng thời chụp những hình ảnh về bề mặt Trái Đất."

Hôm 8/3, chiếc máy bay mang số hiệu MH370 chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn đã biến mất khỏi màn hình radar khi đang bay qua biển Đông, một giờ sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur vào lúc 12 giờ 41 phút sáng. 

Theo lịch trình, chiếc máy bay sẽ tới Bắc Kinh vào 6 giờ 30 sáng cùng ngày. Những nỗ lực tìm kiếm MH370 vẫn đang được tiến hành, tuy nhiên chưa một bằng chứng xác đáng nào được tìm thấy. 

Theo ông Zainuddin, khi mà vệ tinh ở quỹ đạo thấp, những hình ảnh chụp sẽ rõ ràng hơn tuy nhiên những góc chụp sẽ bị thu hẹp do khoảng cách giữa vệ tinh và Trái Đất gần hơn. 

Ông Zainudin cho biết: "Nếu vệ tinh được đặt ở quỹ đạo cao, chúng ta có thể nhìn toàn bộ bề mặt của Trái Đất, nhưng những hình ảnh chụp được không rõ ràng bởi khoảng cách xa."

Để chụp rõ ràng toàn bộ bề mặt của Trái Đất cần nhiều vệ tinh và phải theo dõi liên tục. Hiện Malaysia có 6 vệ tinh nhưng đều không phải là loại vệ tinh quỹ đạo thấp. 

Mỹ và một số quốc gia châu Âu sản xuất loại vệ tinh quỹ đạo thấp này. Đòi hỏi này cũng trùng với nguyện vọng của Malaysia về việc muốn có hệ thống phát hiện máy bay sớm và chia sẻ những thông tin về rủi ro của chuyến bay.

Mong muốn này của Malaysia đã được Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai đưa ra từ hôm 25/10, và Malaysia sẽ nêu vấn đề này cùng một số các vấn đề khác tại cuộc họp thứ 203 của tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) sẽ được tổ chức vào tuần tới tại Montreal, Canada.