Những chiếc bánh trôi, bánh chay được dâng lên ban thờ tổ tiên trong ngày Tết Hàn thực. Ảnh: Minh An |
Bánh trôi nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân, đặt lên đĩa nhỏ, đổ nước đường lên trên. Bày lên đĩa, để nguội, thắp hương.
Quan niệm của dân gian là con số đĩa, bát bánh trôi, bánh chay để dâng cúng luôn là 5 hoặc 3. Người ta cũng thường thắp hương là 1-3 hoặc 5 nén hương chứ không thắp số chẵn.
Bên cạnh đó, trong lễ cúng dù to hay nhỏ, mâm cúng của người Việt đều có hoa tươi và trầu cau, 3 chén nước thanh thủy. Trên ban thờ tổ tiên, tùy từng mùa, tùy điều kiện mỗi nhà, các gia đình còn mua thêm 5 loại quả với năm màu sắc khác nhau đại diện cho ngũ hành. Mâm cúng tổ tiên dịp Tết Hàn thực không cần chuẩn bị "mâm cao cỗ đầy" mà chỉ cần thể hiện lòng hiếu thảo, thành tâm và ước mong những điều tốt lành.
Ngày nay, nhiều người còn thích thú với việc nặn bánh trôi chay ngũ sắc để dâng lên ông bà tổ tiên. Tuy vậy, theo các chuyên gia văn hóa, điều này không phù hợp với nguyên gốc và ý nghĩa của ngày lễ Hàn thực. Bởi vì bánh trôi, bánh chay nguyên bản là màu trắng, hình tròn đầy thể hiện cho khát vọng về những điều tốt đẹp, viên mãn, tinh khiết trong cuộc sống.
Theo quan niệm dân gian, bánh trôi thường có nhân đường cắt hình vuông, bên ngoài bột vỏ nặn tròn. Dương sinh âm cũng như câu 'mẹ tròn con vuông'. Bánh chay nhân đậu xanh màu vàng thể hiện âm, vỏ bánh cũng tròn màu trắng để thể hiện tính dương và đó là tính chất của âm dương giao hòa. Hàn thực là để mong muốn cho thời tiết thuận lợi hài hòa, cũng như mùa hè không quá nóng bức.