Khó khăn chồng chất…
Đường đến trường của các em học sinh ở Cư San, huyện M'Drắk không hề bằng phẳng. Mùa mưa lầy lội, mùa khô bụi bặm, các em phải băng qua những con đường mòn, vượt qua suối, qua rừng để đi tìm con chữ. Cơ sở vật chất của trường học còn nhiều hạn chế, phòng học chật hẹp, thiếu thiết bị dạy học hiện đại. Thầy cô giáo phải vừa dạy vừa làm công tác xã hội, vừa động viên học sinh vượt khó đến trường. Đó là những gì phóng viên (PV) ghi nhận khi vào thăm các trường học tại xã vùng sâu Cư San thuộc huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk vào những ngày trung tuần tháng 11 – tháng tri ân các thầy cô giáo thân yêu.
Tại các trường học của xã Cư San, chúng tôi được các thầy cô giáo chia sẻ những khó khăn và trăn trở khi găn bó với “nghề đưa đò” tại mảnh đất vùng sâu, vùng xa của huyện M’Drắk, cũng như của tỉnh Đắk Lắk.
Chia sẻ với PV, ông TrầnVăn Kiên - Chủ tịch UBND xã Cư San cho biết: “Xã Cư San là xã đặc biệt khó khăn, có địa bàn rộng, giao thông đi lại còn khó khăn, dân số trong xã 99% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng hết yêu cầu dạy và học của các trường. Điều kiện sống kinh tế của các hộ dân còn nhiều khó khăn, nên chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em mình. Thiếu giáo viên mầm mon và giáo viên chủ nhiệm bậc tiểu học... đã gây áp lực cho việc giảng dạy của giáo viên.”
Vượt khó vươn lên…
Tuy nhiên, giữa những khó khăn ấy, tình yêu thương và sự nhiệt huyết của thầy cô giáo, của các em học sinh vẫn luôn tỏa sáng. Các thầy cô không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là những người bạn, người anh, người chị, luôn quan tâm, chia sẻ với học trò. Các em học sinh, dù điều kiện sống có khó khăn nhưng vẫn luôn cố gắng học tập, vươn lên.
Nhiều câu chuyện cảm động về thầy trò ở Cư San đã trở thành tấm gương sáng. Có những em học sinh phải đi bộ nhiều cây số đến trường, có những em phải vừa học vừa làm để phụ giúp gia đình, nhưng vẫn không bỏ cuộc trên hành trình tìm con chữ.
Chủ tịch UBND xã Cư San Trần Văn Kiên chia sẻ thêm: "Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giảng dạy tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng các trường học trên địa bàn xã đã chủ động tích cực khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện có hiệu quả đạt và vượt các chỉ tiêu về công tác giáo dục mà cấp ủy chính quyền cũng như Phòng Giáo dục đề ra trong các năm. Chất lượng giáo dục ở các cấp học được duy trì và phát triển; cơ bản đạt thành tích cao tại các kỳ thi, cuộc thi học sinh giỏi các cấp; đạt các chỉ tiêu được giao về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; chất lượng đội ngũ nhà giáo ngày càng được chuẩn hóa đáp ứng nhiệm vụ. Xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ III, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ I, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ II.”
Nơi đây có những lớp học chất lượng và những ngôi trường thân thiện…
Trường Mẫu giáo Hoa Ban có đội ngũ giáo viên trẻ, năng động, nhiệt tình bám trường bám lớp, yêu nghề mến trẻ. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ngày một nâng lên, tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi ra lớp ngày càng cao (năm học: 2024-2025 đạt 90,7%, riêng trẻ 5 tuổi đạt 100%).
Trường đã tổ chức thành công công tác huy động trẻ ăn bán trú tại trường từ năm học 2023-2024. Đây là bước đầu thành công trong công tác tuyên truyền kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ đảm bảo khoa học và kiến thức về bậc học mầm non cho cha mẹ trẻ tại trường, cũng như Nhân dân trên địa bàn xã nhà.
Trường TH Đinh Tiên Hoàng được xây dựng trên địa bàn thôn 7 xã Cư san, huyện M’Drăk, tỉnh Đắk Lắk; Trường thành lập từ năm 2002. Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, với sự cố gắng của thầy và trò nhà trường đang từng bước xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn I năm học 2024-2025.
Từ năm học 2020-2021 cho đến nay, hàng năm số lượng học sinh bình quân hơn 600 trăm học sinh, số lượng Ban giám hiệu là 3 người, giáo viên 26 người, nhân viên 3 người. Liên tục trong nhiều năm trường đã đạt danh hiệu Lao động tiên tiến cấp cơ sở...
Những thành quả đáng ghi nhận...
Dù gặp phải nhiều khó khăn, nhưng giáo dục ở Cư San vẫn đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Tỉ lệ học sinh khá giỏi cao, các em học sinh chăm chỉ, vượt lên khó khăn để học tập, đạt thành tích cao.
Những ngôi trường giữa đại ngàn Cư San là một câu chuyện đầy cảm hứng về nghị lực và ý chí vươn lên của cả thầy và trò mặc dù còn nhiều khó khăn,
Những điều cần làm để phát triển giáo dục miền núi nói chung và tại xã Cư San nói riêng...
Để phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là ở các khu vực dân tộc thiểu số và miền núi như tại Cư San, thiết nghĩ các cơ quan quản lý cần tập trung vào một số giải pháp đồng bộ.
Đầu tiên là việc đầu tư cơ sở vật chất và tạo điều kiện tốt nhất để dạy học là cần thiết. Việc nâng cấp trường lớp và cơ sở hạ tầng giáo dục để đáp ứng quy mô ngày càng tăng và nâng cao chất lượng giáo dục.
Tiếp đó, cần thiết kế chương trình giáo dục linh hoạt và phù hợp với thực tiễn mà học sinh trong vùng có thể tiếp thu. Đặc biệt trong những năm đầu tiểu học, việc dạy tiếng Việt cần được chú trọng nhằm giúp học sinh dễ dàng thích ứng với môi trường học tập.
Bên cạnh đó, cần quan tâm lãnh đạo chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống của kinh người dân; đây là một trong những giải pháp quan trong là điều kiện tiên quyết để các em có điều kiện tốt hơn tham gia học tập tại địa phương và các cấp học cao hơn.
Phát huy vai trò lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy, chi bộ và các tổ chức trong nhà trường nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của học sinh. Việc phát triển đội ngũ giáo viên là rất quan trọng. Các chính sách hỗ trợ cho giáo viên cần được thực hiện đồng bộ để thu hút và duy trì giáo viên có chất lượng tại các khu vực khó khăn.
Cuối cùng, cần có những chiến lược hỗ trợ việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường nhằm đảm bảo rằng nguồn lực đầu tư cho giáo dục không bị lãng phí và có thể mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng...