70 năm giải phóng Thủ đô

Mạng di động ảo tại Việt Nam: Có cơ hội lách qua “khe cửa hẹp” ?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên thế giới, mạng di động ảo đang là xu hướng phát triển. Ở Việt Nam với chỉ 8 nhà mạng có mặt trên thị trường. Đây cũng chính là cơ hội cho các mạng di động ảo. Tuy nhiên để thành công lại là một câu chuyện không hề dễ dàng.

Lợi ích cho người dùng

Vào cuối tháng 4/2022 vừa qua, Asim Telecom đã chính thức “tham chiến” thị trường viễn thông Việt Nam với mạng di động ảo Local khi được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng có thời hạn đến hết tháng 3/2037. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại Việt Nam đã có mạng di động ảo thứ 4 và tổng cộng 8 nhà mạng viễn thông.

Local - Nhà mạng mới nhất tham gia vào thị trường viễn thông Việt
Local - Nhà mạng mới nhất tham gia vào thị trường viễn thông Việt

Mặc dù không được quá nhiều người biết đến như những nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone nhưng ở các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Đức, Trung Quốc, đây là mô hình rất phát triển và phổ thông bởi sự tiện lợi cũng như giá cước cạnh tranh mà chúng mang lại cho người dùng.

Được biết, thay vì phải đầu tư cơ sở hạ tầng cực kỳ tốn kém và mất thời gian như nhà mạng truyền thống, mạng di động ảo sẽ đi thuê lại những nền tảng này. Nói một cách đơn giản là mạng di động ảo sẽ mua lại lưu lượng dịch vụ di động với giá bán buôn rồi sau đó mang đi bán lẻ cho người dùng. Lợi nhuận của mạng di động ảo đến chính từ khoản chênh lệch này.

Về phía khách hàng, với mạng di động ảo nhu cầu sử dụng sẽ đa dạng và nhiều lựa chọn cùng giá cước hợp lý hơn. Tiêu biểu như với mạng di động ảo Reddi, người dùng có thể tự xây dựng gói cước cho mình nếu như có nhu cầu chỉ vào mạng hoặc chỉ thoại, điều không thể làm được với các nhà mạng lớn. Về giá cước cũng rất cạnh tranh khi gói cước 4G có dung lượng 6GB/tháng ở mức 27.500 đồng, trong khi ở các nhà mạng như MobiFone, VinaPhone… con số này rơi vào tầm 50.000 - 70.000 đồng.

Bên cạnh đó, mạng di động ảo còn cho phép cộng dồn lưu lượng 3G/4G của tháng trước chưa sử dụng hết vào tháng sau. Đây là dịch vụ cực kỳ cần thiết và hữu ích cho người dùng khi nhu cầu vào mạng đang vượt qua thời gian gọi điện. Đáng chú ý, người dùng các mạng VinaPhone, Viettel, MobiFone sẽ không có dịch vụ này.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sở hữu mạng di động ảo của Việt Nam đều có các dịch vụ số phát triển và đây cũng là một trong những dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng trải nghiệm. Có thể kể đến như: mạng Local có dịch vụ chat riêng trên ứng dụng độc lập, thông tin du lịch, tin tức, đặt xe, truyền hình, mua thuốc… Hay như Digilife của VNPAY có cả một hệ thống thanh toán trực tuyến số 1 Việt Nam hậu thuẫn, còn Reddi là đứng sau bởi “đế chế” tiêu dùng Masan Group.

Vẫn còn nhiều cơ hội

Theo số liệu của Global Market Insights, tổng doanh thu của thị trường viễn thông ảo trên toàn thế giới đang ở mức 65 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng lên đến 9%/năm. Đây là con số thật sự ấn tượng ngay cả với những doanh nghiệp viễn thông truyền thống.

Chính bởi vậy, số lượng các nhà mạng trên thế giới liên tục tăng nhanh. Ở Mỹ, hiện có 32 nhà mạng ảo với hơn 50 triệu thuê bao, Trung Quốc với 62 mạng và 75 triệu thuê bao, còn Đức có tới 132 nhà mạng cung cấp còn ở Anh thị trường di động đã có 20% nằm trong tay các mạng ảo.

Tại Việt Nam, việc chỉ có tổng cộng 8 nhà mạng viễn thông, thua xa so với phần lớn các quốc gia trên thế giới chỉ rõ dư địa cho những mạng ảo còn khá lớn nhưng để chiếm được thị phần là điều không hề dễ dàng. Hiện, tổng số thuê bao của các mạng di động ảo chỉ chiếm khoảng 2% tổng số thuê bao di động trên thị trường.

Theo ước tính, hiện, Việt Nam đang có khoảng hơn 123 triệu thuê bao di động, con số này đang gần với mức bão hòa nếu biết tỷ lệ tăng trưởng thuê bao mới trong vòng 6 tháng chưa đạt đến mức 0,1%. Không chỉ vậy, với giá truy cập Internet thuộc diện thấp nhất thế giới khi chỉ khoảng 0,57 USD cho 1GB dữ liệu. Điều này khiến cho doanh thu trung bình của ngành viễn thông chỉ đạt khoảng 6 USD/tháng. Như vậy, rõ ràng không gian phát triển theo kiểu truyền thống là rất ít đối với các mạng di động ảo.

Tuy nhiên, kinh doanh dung lượng, cước gọi vẫn theo truyền thống của hầu hết mạng di động ảo trong nước. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Asim Telecom Vũ Minh Trí cho biết, trên thực tế thị trường viễn thông Việt vẫn còn nhiều cơ hội, mặc dù là kẻ đến sau nhưng Local vẫn có lợi thế, đó chính là công nghệ. Yếu tố này rất quan trọng khi chuyển đổi số đang là làn sóng không thể đảo ngược tại Việt Nam.

"Hơn thế nữa, Asim Group (Tập đoàn sở hữu Asim Telecom) đang có một hệ sinh thái số khá hoàn chỉnh từ viễn thông, tài chính cho đến giải trí. Do đó, mục tiêu chính của Local sẽ hướng đến cung cấp các nội dùng số cho người dùng. Thông qua mạng di động, người dùng có thể kể đến như: kết nối tài khoản ngân hàng, giải trí thông qua smartphone, thanh toán hóa đơn, tư vấn y tế, gọi xe công nghệ …"- ông Vũ Minh Trí nói.

Việc tập trung kinh doanh vào thị trường ngách cũng đang là định hướng của Reddi. Theo đó, thay vì ngắm tới người dùng phổ thông, mạng di động ảo này sẽ hướng đến cộng đồng 15 triệu người dùng của Massan Group bao gồm: hệ sinh thái Winmart, Techcombank và Phúc Long. Trong đó Reddi sẽ là nền tảng chính để tích hợp các sản phẩm, dịch vụ của Massan, qua đó giúp người dùng có thể trải nghiệm tốt nhất với mức chi phí bỏ ra rẻ hơn hiện tại.

Một thành công tiêu biểu của việc kết hợp giữa nhà mạng cùng doanh nghiệp bán lẻ, tương tự như trường hợp của Massan và Reddi, là Reliance và Jio của Ấn Độ. Vào năm 2016, hãng bán lẻ Reliance đã ra mắt mạng ảo Jio. Với lượng người dùng khổng lồ sự kết hợp này đã mang lại cho Jio khoảng 400 triệu người dùng ở thời điểm hiện tại.

Nhận định về cơ hội của mạng di động ảo, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Đoàn cho rằng, cơ hội là có nhưng không tập trung ở dịch vụ viễn thông cơ bản. Việc cạnh tranh và thu hút người dùng chỉ trên dịch vụ Internet và điện thoại là điều không khả thi với các mạng ảo bởi họ không hề có lợi thế trước các nhà mạng truyền thống. Việc giảm giá cước để thu hút người dùng chỉ là giải pháp mang tính ngắn hạn.

Thay vào đó, các mạng ảo nên tập trung xây dựng hệ sinh thái của riêng mình, từ đó lôi kéo thêm người dùng. Nguồn doanh thu chính sẽ phải từ hệ sinh thái nói trên chứ không phải từ dịch vụ viễn thông. Đây cũng chính là mô hình của nhiều mạng di động ảo thành công trên thế giới đang áp dụng.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Đoàn, hiện các nhà mạng MobiFone, Viettel cũng đang xây dựng hệ sinh thái tương tự cho tập khách hàng của riêng mình, bởi vậy cơ hội cho các nhà mạng ảo sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, dịch vụ số là câu chuyện lớn hơn nhiều so với thị trường viễn thông truyền thống. Ở đó, bên nào có dịch vụ tốt hơn sẽ giành được khách hàng.