Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mang hơi ấm quê hương vào với đồng đội bên dòng Thạch Hãn

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên bờ sông Thạch Hãn, những ngọn gió từ thượng nguồn ùa về hít hà từng mùi của đất, nước được mang về từ mọi miền Tổ quốc. Rải nắm đất, giọt nước mang từ quê nhà vào, những cựu chiến binh Trung đoàn 27 - Triệu Hải rưng rưng gửi hơi ấm cho anh linh đồng đội.

Ấm tình đồng đội

Vào tháng 7, dòng sông Thạch Hãn luôn lung linh, đẹp đẽ và thiêng liêng. Với những đèn hoa bồng bềnh trôi tỏa hàng nghìn ánh lửa của sự tri ân sưởi ấm dòng sông này. Và bên bờ sông Thạch Hãn yên bình, những cựu binh của Trung đoàn 27 - Triệu Hải giờ đã hơn 70 tuổi bịn rịn ngồi bên dòng sông lịch sử này. Những ký ức hào hùng của một thời hoa lửa hiện về, những câu chuyện với những cái ôm chặt khi về với đồng đội đang còn nằm lại trên mảnh đất Quảng Trị thân thương.

Trong gần 10 năm qua, cứ vào dịp 27/7, những cựu chiến binh (CCB) cùng thân nhân các gia đình liệt sĩ Trung đoàn 27 lại hành hương vào thăm lại chiến trường xưa - nơi ghi dấu những năm tháng hào hùng và cả những đồng đội nằm lại nơi đây. Có người đã để lại một phần máu thịt, có người nằm lại mà anh linh đã hóa thành bất tử nơi đây.

CCB Lê Bá Dương và đồng đội - những người lính của Trung đoàn 27 - Triệu Hải.
CCB Lê Bá Dương và đồng đội - những người lính của Trung đoàn 27 - Triệu Hải.

Trong mỗi chuyến đi, những cựu binh Trung đoàn đang ở khắp mọi miền Tổ quốc lại chuẩn bị những nắm đất, những bình nước mang từ quê hương để hòa vào dòng Thạch Hãn, gửi cho đồng đội bao năm qua vẫn chưa tìm thấy để đưa về đất mẹ.

CCB Lê Bá Dương chia sẻ: "Chúng tôi gọi đó là chương trình đưa quê hương vào cho đồng đội, là đưa hơi ấm với những đất, nước từ 3 miền Bắc - Trung - Nam của Tổ quốc về đây rồi hòa vào lòng Thạch Hãn.

Đồng thời, đưa hơi ấm của những người đồng đội vào cho anh em đã nằm xuống, rồi những tiếng nói, ngữ thanh các vùng miền, như: Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh… vào đây”.

CCB Nguyễn Duy Nghĩa (Hà Nội) cất tiếng gọi những đồng đội nơi dòng Thạch Hãn.
CCB Nguyễn Duy Nghĩa (Hà Nội) cất tiếng gọi những đồng đội nơi dòng Thạch Hãn.

Bên bờ sông Thạch Hãn, châm điếu thuốc để bên cạnh cho đồng đội, CCB Nguyễn Duy Nghĩa (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhìn xa xăm về phía dòng sông - nơi những đồng đội đã hóa thân vào dòng sông xanh này.

Ôm hũ đất, nước trong tay, ông rưng rưng với những đồng đội đã hóa thân vào đất, vào dòng Thạch Hãn: “Chúng mày không về được quê nên hôm nay chúng tao ở Hà Nội vào đây mang theo nước Hồ Gươm, nước sông Hồng, cả đất bãi sông Hồng nơi chúng mày từng chơi đùa lúc bé và cả đất ở Hoàng thành Thăng Long nữa. Chúng tao sẽ gửi đất, nước hòa vào dòng Thạch Hãn cho những đứa còn nằm lại ở đây một chút hơi ấm của quê hương, chúng mày vui lên nhé!”.

Một CCB đang chuẩn bị phần nước, đất được mang từ Hà Giang - cực bắc của Tổ quốc.
Một CCB đang chuẩn bị phần nước, đất được mang từ Hà Giang - cực bắc của Tổ quốc.

Trong giây phúc trang nghiêm, lời văn tế của CCB Trung đoàn 27 Ngô Minh Hớn vang lên trong tiếng chuông bên bờ Thạch Hãn: “Cây núi Mai tươi tốt nghìn năm. Nước Thạch Hãn trong xanh vạn đại. Trên sông khói sóng, gợi nhớ về một thuở đao binh. Dưới bến thuyền neo, như nhắc lại những lần chèo lái. Thể phách hòa tan, tinh anh còn mãi”.

Những giọt nước mát lành, đất quê hương từ mọi miền Tổ quốc được mang về đây, hòa vào dòng Thạch Hãn, gửi gắm quê hương cho các anh linh Anh hùng liệt sĩ.
Những giọt nước mát lành, đất quê hương từ mọi miền Tổ quốc được mang về đây, hòa vào dòng Thạch Hãn, gửi gắm quê hương cho các anh linh Anh hùng liệt sĩ.

Trên dòng Thạch Hãn những bè hoa, hoa đăng lung linh ánh lửa sưởi ấm của bến sông, những CCB chuyền tay nhau đất, hũ nước, gạo và muối quê hương rồi hòa vào dòng Thạch Hãn. Những giọt nước được mang từ sông Kỳ Cùng, Hồ Gươm, sông Nhật Lệ, sông Lam, bến Nhà rồng, nơi Trung đoàn thành lập, gạo Thái Bình, muối Diêm Điền… “Lễ bạc lòng thành: Nhờ dòng nước biếc mang đi, dương cầu âm ứng: Cậy đám mây xanh chắp lại”.

Trao hương, gửi lửa cho muôn đời sau

Sau khi thành lập tại xã Nam Anh năm 1968, những người lính mười tám, đôi mươi của Trung đoàn 27 - Triệu Hải hành quân vào Nam chiến đấu và trở thành Trung đoàn chủ lực của Mặt trận B5, đường 9, Bắc Quảng Trị. Trong những trận chiến khốc liệt bảo vệ Tổ quốc, quê hương, Trung đoàn đã có đến hơn 2.500 liệt sĩ và một nửa trong số đó, xương máu các anh đã hóa vào đất, vào nước quê hương.

CCB Trung đoàn 27 - Triệu Hải và phần đất được mang từ đềnTrần (Nam Định).
CCB Trung đoàn 27 - Triệu Hải và phần đất được mang từ đềnTrần (Nam Định).

Cùng lời thề và tâm nguyện của người lính, sau ngày Giải phóng, những người còn sống quay trở lại tìm kiếm đưa di cốt đồng đội về quê nhưng vẫn còn đó những đồng đội chưa thể về được với quê mẹ… Những người lính Trung đoàn 27 - Triệu Hải đã tự kết nối, chung lòng hợp sức nắm tay nhau tổ chức cuộc hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” .

CCB Lê Bá Dương kể, sau ngày đất nước thống nhất, ông đã cắt cái phép đầu tiên rồi trở lại Quảng Trị. Từ Bến Tắt (xã Linh Thượng, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), ông đi đến những vùng mà Trung đoàn hoạt động trong những năm tháng chiến tranh - nơi đồng đội ông biết bao người ngã xuống. Mỗi nơi, ông lại hái hoa sim, hoa mua, chạc chìu kết bè bằng những cây sậy rồi thả xuôi theo các dòng sông, từ Bến Hải, ngược vào dòng Ô Lâu rồi ra Thạch Hãn.

Các CCB Trung đoàn 27 - Triệu Hải hóa đất quê hương vào dòng Thạch Hãn.
Các CCB Trung đoàn 27 - Triệu Hải hóa đất quê hương vào dòng Thạch Hãn.

Trên đồi cao, thắp điếu thuốc Tam Đảo, Trường Sơn thay cho nén hương rồi nhờ gió tỏa ra cho các anh em, đồng đội. “Mình cứ lủi lủi đi một mình như vậy và năm nào 27/7 cũng vậy. Lúc thì bè hoa kết bằng cây sậy, hoa thì hái ven rừng, lúc điếu thuốc thay nén hương lòng hay là lúc mình mua hoa, thuê thuyền ra giữa dòng Thạch Hãn rồi thả bè hoa, nén hương… nhờ nguồn nước mạch làng, của quê hương tải chút lòng của người còn sống với người đã khuất về phía vô cùng” - CCB Lê Bá Dương tâm sự.

Rồi khi cuộc sống đỡ vất vả hơn, trong vòng tay đồng đội, những người lính Trung đoàn 27 - Triệu Hải lại nắm tay nhau về với Quảng Trị - vùng đất đã có biết bao đồng đội đã vĩnh viễn hóa thân vào từng ngọn núi, dòng sông. Họ mang về đây tấm lòng cùng những đất, nước quê hương sưởi ấm, tri ân cho những người đã ngã xuống cho độc lập, hạnh phúc của đất nước, nhân dân.

Những dòng nước mát lành từ khắp mọi miền Tổ quốc được hóa vào dòng Thạch Hãn trong chuyến hành hương "Đưa quê hương vào cho đồng đội".
Những dòng nước mát lành từ khắp mọi miền Tổ quốc được hóa vào dòng Thạch Hãn trong chuyến hành hương "Đưa quê hương vào cho đồng đội".

Có lẽ chuyến hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” nhân dịp 27/7 năm nay là lần đầy tâm trạng nhất. “Cuộc hành hương năm này như lần cuối cùng ở hình thức này khi nhiều CCB sức khỏe ngày càng yếu và lớn tuổi, trong đó nhiều thương binh nặng” - CCB Lê Bá Dương xúc động.

Ông tâm sự, dù rằng, những người lính Trung đoàn 27 biết bà con, chính quyền Quảng Trị luôn luôn lo chu đáo cho anh em mình nhưng anh em mình cũng muốn có lời gửi gắm qua lễ “Trao hương, gửi lửa” với vật phẩm lưu niệm và quà hỗ trợ cho đại diện quản trang của 72 nghĩa trang trong tỉnh Quảng Trị.

Trong lung linh ánh hoa đăng trên dòng Thạch Hãn, hơi ấm của đồng đội, đất, nước quê hương như lời tri ân đến các anh linh các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của hân dân.
Trong lung linh ánh hoa đăng trên dòng Thạch Hãn, hơi ấm của đồng đội, đất, nước quê hương như lời tri ân đến các anh linh các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của hân dân.

Những hành động đó như một lời cảm ơn, gửi gắm mà các CCB muốn gửi đến đồng bào, Nhân dân Quảng Trị, là tâm niệm của các CCB mong muốn phần mộ của các chiến sĩ, đồng đội của mình luôn được chăm sóc, hương khói.

“Điều đó khiến cho chính những người mở lời, gửi gắm, chúng tôi được yên lòng hơn” - CCB Lê Bá Dương nói.

Bên bến sông, hòa vào tiếng hát ấm tình đồng đội của các CCB Trung đoàn, từng cơn gió từ dòng Thạch Hãn cũng ùa vào cùng chung nhịp đập của một thời hoa lửa, hòa vào hồn thiêng sông núi, đất trời Quảng Trị!