Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mạng lưới cửa hàng xăng dầu ở nội thành Hà Nội có nguy cơ thu hẹp

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hà Nội hiện có tổng số 493 cửa hàng xăng dầu, trong đó có 461 cửa hàng đủ điều kiện đang hoạt động. Mạng lưới cửa hàng xăng, dầu có nguy cơ bị thu hẹp do cửa hàng ở các quận lõi có diện tích nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đang ngày càng tăng.

Hà Nội hiện có 461 cửa hàng xăng dầu đủ điều kiện đang hoạt động (Ảnh: Hoài Nam)
Hà Nội hiện có 461 cửa hàng xăng dầu đủ điều kiện đang hoạt động (Ảnh: Hoài Nam)

Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” tại Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Sở Công Thương Hà Nội.

Dự buổi giám sát có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.

Nguy cơ thiếu điện tại một số khu vực

Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện Sở Công thương thông tin, đến năm 2021 toàn TP có 3 trạm biến áp và 285 lưới điện 500kV; 13 trạm biến áp và 775,86km lưới điện 220kV; 63 trạm biến áp và 1.052km lưới điện 110kV; hơn 22.694 trạm biến áp phân phối và 47.000km đường dây trung hạ thế các loại. Lưới điện Thủ đô được hoàn chỉnh liên kết mạch vòng với các trạm biến áp tại các địa phương lân cận, đảm bảo cung cấp điện cho khoảng 2,8 triệu khách hàng toàn TP phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; đáp ứng tốt nhu cầu phụ tải đỉnh trong mùa hè liên tục tăng cao các năm gần đây.

Về đầu tư phát triển nguồn điện, đến năm 2021 toàn TP lắp đặt được 2.102 hệ thống điện mặt trời mái nhà, công suất 33,82MW; 1 nhà máy điện rác Nam Sơn, công suất 1,93MW đã đi vào vận hành; 2 dự án nguồn điện gồm Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, công suất 75MW (đã vận hành 2/3 tổ máy phát công suất 60MW) và dự án Nhà máy điện rác Seraphin, công suất 37MW (khởi công xây dựng ngày 30/3/2022).

Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện đầu tư xây dựng công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực chưa cao, đặc biệt là các công trình xây dựng mới lưới điện 110kV (mới chỉ đạt dưới 30%). Nếu không có giải pháp quyết liệt để bổ sung nguồn cấp điện thì trong những năm tiếp theo có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung cấp điện tại một số khu vực.

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn ĐB Quốc hội với Sở Công thương, Tổng Công ty điện lực Hà Nội
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn ĐB Quốc hội với Sở Công thương, Tổng Công ty điện lực Hà Nội

Liên quan đến nội dung này, thành viên Đoàn giám sát đã đề nghị làm rõ nguyên nhân, những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án điện-đặc biệt là vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Đại diện Sở Công thương cho biết, việc chậm trễ hoàn thành các công trình do gặp phải một số tồn tại như: Quá trình thỏa thuận địa điểm xây dựng và hướng tuyến đường dây kéo dài-thậm chí có trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch xây dựng; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; người dân kiến nghị lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, an toàn môi trường...

Đồng thời, sau thời điểm Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017 và Luật sửa đổi, bổ số điều của 11 Luật liên quan đến quy hoạch ngày 15/6/2018 có hiệu lực thi hành, bổ sung quy định quy hoạch phân ngành điện, năng lượng tại địa phương được tích hợp vào quy hoạch cấp tỉnh. Nhưng hiện nay quy hoạch ngành quốc gia, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, năng lượng trong quy hoạch cấp tỉnh chưa được phê duyệt, việc đầu tư các công trình cấp điện hết sức lúng túng do phải chờ quy hoạch để cập nhật, rà soát các biến động sau nhiều năm triển khai theo quy hoạch cũ.

Ngoài ra việc thực hiện điều chỉnh, bổ sung công trình điện vào Quy hoạch phát triển điện lực vướng mắc do thiếu cơ sở pháp lý. Công tác quản lý và đầu tư xây dựng phát triển điện lực theo quy hoạch gặp nhiều khó khăn do cơ chế phân cấp quản lý không rõ ràng, thiếu hướng dẫn từ cơ quan Trung ương.

Còn theo đại diện Sở QH&KT, vướng mắc trong quá trình triển khai quy hoạch điện trên địa bàn là hiện tất cả các quy hoạch ngành chưa có quy hoạch tích hợp của Quy hoạch Thủ đô nên nhiều đơn vị sợ làm sẽ sai so với quy định...

Thành viên Đoàn giám sát nêu ra một số câu hỏi với đơn vị được giám sát
Thành viên Đoàn giám sát nêu ra một số câu hỏi với đơn vị được giám sát

Đề xuất áp dụng tiêu chí đặc thù với cửa hàng xăng, dầu trong đô thị

Đối với lĩnh vực xăng dầu, Hà Nội hiện có 3 kho xăng với sức chứa trên 5.000 m3 và 2 kho xăng sức chứa dưới 5.000 m3 đang hoạt động. Bên cạnh đó là có tổng số 493 cửa hàng xăng dầu, trong đó có 461 cửa hàng đã được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, đang hoạt động, 32 cửa hàng đang tạm dừng hoạt động do đang thực hiện cải tạo, sửa chữa, trong giai đoạn chuyển giao cho đơn vị khác, giải quyết tranh chấp, không đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy...

Theo đại diện Sở Công thương, hiện nay, mạng lưới cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội có nguy cơ bị thu hẹp do nhiều cửa hàng cũ nằm trong các dự án mở rộng đường dự án phát triển đô thị. Các cửa hàng tại các quận lõi hầu hết có diện tích nhỏ hẹp, dung tích bể chứa nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đang ngày càng tăng cao. Trong khi quỹ đất dành cho phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu ở nội thành còn khó, việc xây dựng mới cửa hàng xăng dầu phải đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về diện tích, khoảng cách... để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, môi trường.

Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án xây dựng cửa hàng xăng dầu, kho xăng dầu trên địa bàn TP cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc, do đó chưa thu hút được các nhà đầu tư.

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đề nghị làm rõ tình hình cung ứng xăng dầu trong thời gian qua, nguyên nhân khiến quy hoạch xăng dầu chưa thu hút được đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại buổi làm việc

Đại diện Sở Công thương cho biết, quy hoạch xăng xầu trên địa bàn TP vướng mắc ở việc xác định vị trí xây dựng cửa hàng xăng dầu, kho xăng dầu để đáp ứng được các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy hoạch liên quan. Cửa hàng xăng dầu là những dự án nhỏ (thường có diện tích từ 1.000-3.000m2), thuộc công trình đặc thù, có ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng nên không thuộc diện các dự án được ưu tiên.

Cùng đó, vị trí xây dựng cửa hàng xăng dầu, kho xăng dầu phải phù hợp với các Quy hoạch đã được phê duyệt: quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng huyện, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch sử dụng đất... do vị trí chiếm đất nhỏ nên thường không thể hiện được rõ ràng trong các quy hoạch nêu trên. Mặt khác, vị trí quy hoạch phải các đáp ứng được các quy chuẩn tiêu chuẩn như: cách trường học, bệnh viện, công trình công cộng... nên rất khó tìm được các vị trí đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, các dự án xây dựng mới cửa hàng xăng dầu, kho xăng dầu thường kéo dài một đến vài năm cho công tác chuẩn bị đầu tư, chủ yếu là ở khâu chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do là công trình đặc thù nên các thủ tục xây dựng cửa hàng xăng dầu cũng nhiều bước hơn các công trình dân dụng cùng quy mô khác (liên quan thẩm duyệt nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, giao thông...).

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi giám sát
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi giám sát

Sở Công thương kiến nghị, đề xuất các Bộ: KH&CN, Công Thương, Xây dựng, GT-VT xem xét, phê duyệt cho TP Hà Nội được áp dụng tiêu chí đặc thù về các khoảng cách an toàn giao thông, an toàn phòng cháy chữa cháy, tiêu chuẩn xây dựng đối với cửa hàng xăng dầu trong đô thị, trạm nạp khí. Điều này là phù hợp các quy định đang áp dụng tại nhiều quốc gia và phù hợp với điều kiện công nghệ phát triển hiện nay.

Kết luận buổi giám sát, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn Thủ đô thời gian qua đã đảm bảo phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, cho nhu cầu của người dân và phục vụ các sự kiện chính trị-văn hoá quan trọng, Tiếp thu nhưng ý kiến của các đơn vị, Đoàn ĐB Quốc hội TP sẽ tổng hợp để gửi đến cơ quan chức năng liên quan.