Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Măng tây - cây trồng nhiều triển vọng tại Quảng Ngãi

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, mô hình trồng măng tây đã được triển khai thực hiện tại nhiều địa phương của Quảng Ngãi. Qua thực tế cho thấy, loại cây này có tiềm năng lớn, mang lợi nhuận cao cho người trồng và có thể thay thế một số cây trồng kém hiệu quả.

Ông Huỳnh Luôn (xã Bình Phú, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) được hỗ trợ trồng 900m2 măng tây trên vùng đất pha cát. Nhìn những mầm măng xanh tốt vươn lên từ vùng đất quê mình, ông Luôn không giấu được niềm vui.
“Xưa nay vùng này trồng mía, giờ măng tây phát triển được như thế này rất hy vọng sẽ mang được kết quả tốt. Nếu được sẽ tiến đến thay thế cho việc trồng cây mía, vì hiện nay việc tiêu thụ mía rất khó khăn”, ông Luôn nói.

Măng tây được đưa vào trồng thử nghiệm trong vụ Đông Xuân 2018 - 2019 ở huyện

Bình Sơn.

Vụ Đông Xuân 2018 - 2019, huyện Bình Sơn đã mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng để thực hiện Đề án “Trồng thử nghiệm cây măng tây trên địa bàn huyện Bình Sơn” tại 3 xã: Bình Phú, Bình Trung và Bình An trên diện tích 6.000m2. Qua kiểm tra, đánh giá tình hình sinh trưởng và phát triển của cây, tỷ lệ sống đạt 100%, ít sâu bệnh.
Sau gần 5 tháng triển khai, nhờ chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, cây măng tây xanh sinh trưởng và phát triển tốt. Theo quy trình thì trồng 6 tháng cây mới cho thu hoạch, nhưng do thời tiết thuận lợi, cây thích nghi với thổ nhưỡng, phát triển tốt nên hiện nay các hộ gia đình đã thu hoạch lứa đầu tiên, sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, măng tây là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, giúp người dân nâng cao thu nhập. Hiện tại loài cây này được trồng thử nghiệm tại các địa phương trong huyện đang phát triển tốt, có tiềm năng để phát triển, mở rộng vùng trồng.
“Sau đợt trồng thử nghiệm này, huyện Bình Sơn sẽ tiến hành đánh giá hiệu quả kinh tế trên diện tích đang trồng để tiếp tục có hướng hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân mở rộng diện tích”, ông Trung nói.
Măng tây hiện là cây trồng có giá trị kinh tế cao và có khả năng thay thế một số cây trồng kém hiệu quả khác.
Trước huyện Bình Sơn, tại các huyện Mộ Đức, Sơn Hà cũng đã triển khai trồng măng tây. Sản phẩm măng tây hiện có giá bán khá cao, từ khoảng 100.000 - 150.000 đồng/1kg, tùy loại, thậm chí có thể cao hơn. Trong khi đó, thời gian khai thác kéo dài từ 8 - 10 năm. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng, mô hình này còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nông dân. Theo nhiều địa phương, cây măng tây có nhiều tiềm năng thay thế các cây trồng kém hiệu quả.
Măng tây được biết đến là một loại rau cao cấp, có nhiều công dụng. Măng non thường được dùng làm thực phẩm, cành lá thì dùng làm kiểng, thân và rễ dùng dược liệu, mỹ phẩm.
Măng tây có hàm lượng dinh dưỡng cao, măng có tác dụng điều trị bệnh đường tiêu hóa, gan, tiểu đường, thận, chống lão hóa. Đặc biệt, người dân khi trồng loại rau này không dùng đến thuốc trừ sâu, chỉ dùng thuốc sinh học tự chế từ thiên nhiên nên sản phầm thành phẩm rất an toàn.