Mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/12, báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức giao lưu, tọa đàm trực tuyến với độc giả xung quanh chủ đề: “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan”, cùng sự tham gia của các luật sư, luật gia TP Hà Nội.

Trả lời bạn đọc về những điểm mới của Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, luật gia Phạm Thu Hương cho hay, một số điểm mới của Luật được quy định như: Nâng độ tuổi kết hôn, nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; không cấm kết hôn đồng giới; cho phép mang thai hộ; chồng không có quyền ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi…

Luật sư Nguyễn Quốc Việt trả lời câu hỏi của độc giả.  Ảnh: Văn Trọng

Liên quan đến quyền, nghĩa vụ của bên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, luật sư Phan Nhật Luận cho biết, người mang thai hộ, chồng của người mang thai hộ có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ; phải giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Người mang thai hộ phải tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường, dị tật của bào thai theo quy định của Bộ Y tế. Người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ…
Tại buổi tọa đàm, phần lớn các câu hỏi của bạn đọc thắc mắc liên quan đến vấn đề ly hôn, chia tài sản, nuôi con. Bạn đọc Trần Minh Thuận (tranthuan45@gmail.com) thắc mắc, dù trong bản án Tòa án tuyên người chồng phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, nhưng từ khi ly hôn, chồng không đưa tiền nuôi con, phải giải quyết làm sao? Luật gia Phạm Thu Hương cho hay, theo quy định của Luật Hôn nhân & Gia đình, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Nếu người cha vẫn đủ điều kiện mà trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ bị xử lý hình sự về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 152 Bộ luật Hình sự). Bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà người cha không thực hiện nghĩa vụ của mình có thể bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện công việc phải làm.
Trong khi đó, bạn đọc Phạm Thanh Sơn (thanhson@gmail.com) băn khoăn, nếu vợ chồng ly hôn, người mẹ có được quyền nuôi con 11 tháng tuổi khi con là cháu đích tôn của ông bà nội? Theo luật gia Phạm Thu Hương, việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn là quyền và nghĩa vụ của cha mẹ. Vì cháu mới được 11 tháng tuổi nên người mẹ được trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc, vì theo quy định của luật, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi.
Về trường hợp chồng có hành vi bạo lực với vợ, luật gia cho hay, theo Điều 52 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
Ngoài ra, các luật gia, luật sư cũng tư vấn trực tuyến những thắc mắc của bạn đọc xung quanh việc sinh con thứ 3 có bị xử phạt; con gái có được lấy cha nuôi; tảo hôn có bị xử phạt; người còn sống có được quyền thừa kế di sản của người đã chết; xác định tài sản riêng của vợ, chồng…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần