Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, đặc biệt là năm 2022 đến nay, Quốc hội đã có những thay đổi mạnh mẽ cả về tư duy và cách làm, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả mọi mặt công tác. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội với tinh thần trách nhiệm cao tiếp tục có đóng góp quan trọng vào thành công của các kỳ họp cũng như sự đổi mới của Quốc hội; tạo dấu ấn đối với Quốc hội và cử tri.
Khi Quốc hội dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật để đáp ứng những yêu cầu mới của tình hình thực tiễn, trách nhiệm của người đại biểu dân cử càng nặng nề hơn, để có được những dự luật chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Theo Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, thể hiện trách nhiệm cao và tinh thần dân chủ, sát thực tế khi tham gia đóng góp xây dựng nội dung các dự án luật, Đoàn luôn chú trọng việc lấy ý kiến góp ý của chuyên gia, các ngành, các đơn vị có liên quan như: Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn của thành phố, các cơ quan, đơn vị Trung ương trên địa bàn, các Viện nghiên cứu, Học viện, trường Đại học. Đồng thời, đăng tải các dự án luật và những nội dung cần xin ý kiến lên trang thông tin điện tử của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố để các cá nhân, tổ chức quan tâm khai thác, góp ý kiến, đặc biệt đối với những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, những vấn đề khó còn nhiều ý kiến khác nhau.
Các hội nghị lấy ý kiến vào dự luật là cơ sở rất quan trọng để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn thu thập thông tin, nghiên cứu và đưa ra những ý kiến sâu sắc tại nghị trường, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng dự án luật và thành công của kỳ họp Quốc hội.
Chính những đổi mới trong hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề của Đoàn cũng mang lại những thông tin chính xác hơn cho từng đại biểu khi đánh giá về tính hiệu quả của chính sách, pháp luật, cũng như kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập để đưa ra kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật. Từ đó, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Như qua cuộc khảo sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân chủ ở cơ sở giai đoạn 2016-2021”, Đoàn đã thu thập nhiều thông tin thực tiễn từ cơ sở nhằm đóng góp chất lượng vào Dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Dự án Luật này đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 với nhiều nội dung mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Không chỉ vậy, theo dõi nghị trường có thể thấy, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn thành phố Hà Nội vẫn luôn là những người tích cực trong đóng góp ý kiến, thể hiện chính kiến với tinh thần trách nhiệm cao tại các phiên thảo luận. Điển hình như con số thống kê tại Kỳ họp thứ 3, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã có 107 lượt đại biểu phát biểu ý kiến tại tổ và tại hội trường; tại Kỳ họp thứ 4, đã có 102 lượt đại biểu phát biểu thảo luận tại tổ, tại hội trường về các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết.
Hàng loạt các quyết sách đúng đắn trên nghị trường Quốc hội đã tạo thế và lực cho sự phát triển ổn định, bền vững về mọi mặt. Với trí tuệ và trách nhiệm của mình, các đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tạo những dấu ấn từ những phát biểu ấn tượng, bày tỏ tâm huyết với vấn đề mình đưa ra, làm "nóng" nghị trường, được Nhân dân và cử tri quan tâm.
Tại Kỳ họp thứ 4, khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại thời điểm đang có những phục hồi mạnh mẽ sau tác động của dịch Covid-19, nhưng những khó khăn, thách thức cũng đặt ra không ít, nhiều vấn đề thực tiễn cần giải quyết để thúc đẩy sự phát triển, tháo gỡ các điểm nghẽn, đại biểu Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đã phân tích kỹ về dự báo năm 2023, kinh tế thế giới phải đối mặt với nguy cơ đầy thách thức vào vòng xoáy lạm phát và suy thoái. Nguy cơ khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra sẽ trầm trọng hơn vì nó sẽ chịu tác động, ảnh hưởng đồng thời của thảm họa chiến tranh và dịch bệnh… “Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, vậy làm thế nào để chúng ta vượt qua được vòng xoáy khủng hoảng của thế giới là một bài toán vô cùng khó, cần phải tìm ra lời giải. Trước bối cảnh đó, chúng ta không nên say sưa với thành công mà phải nhìn thẳng vào nguy cơ thách thức đang đặt ra phía trước”- đại biểu nói.
Hay trước làn sóng cán bộ, y bác sỹ trong ngành y rời khu vực công, đại biểu Nguyễn Anh Trí đã thẳng thắn: "Y tế Việt Nam đã và đang bị chao đảo, đến nay vẫn còn chưa thực sự hết chao đảo. Cán bộ y tế ồ ạt xin ra khỏi khu vực công. Thuốc men, sinh phẩm vẫn bị thiếu. Việc mua sắm trang thiết bị đồng bộ cho bệnh viện đang bị đứt gãy, đình đốn. Vấn đề tự chủ bệnh viện có nguy cơ bị đổ vỡ. Lý do, nguyên nhân thì có nhiều. Tuy nhiên dù bất cứ lý do nào mà không có thuốc để điều trị cho bệnh nhân là có lỗi nặng với Nhân dân. Bằng mọi giá chúng ta phải giải quyết để chấm dứt tình trạng này."
Trên nghị trường, đề cập đến vấn đề trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đã thốt lên “lãng phí đất đai cũng là thực trạng nhức nhối”. Theo đại biểu, ngoài nguyên nhân của hệ thống pháp luật, vấn đề trách nhiệm quản lý Nhà nước ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả quản lý đất đai. Có thực tế là lối "tư duy nhiệm kỳ" ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực quản lý đất đai. Qua giám sát cho thấy, bên cạnh nhiều địa phương tích cực thu hồi diện tích đất hoang hóa, vẫn còn những địa phương sau mỗi nhiệm kỳ số lượng các dự án treo lại tăng thêm. Chính tâm lý e dè, lo lắng, sợ trách nhiệm cũng tạo sức ì rất lớn, sự trì trệ trong cơ quan công quyền…
“Đất đai là vấn đề phức tạp, không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được ngay các vướng mắc. Tuy nhiên, người dân vẫn mong chính quyền quyết liệt hơn nữa trong xử lý vướng mắc về đất đai. Cần đưa ra lộ trình cụ thể, thời hạn cụ thể và nghị quyết hóa vấn đề này”- đại biểu đã nói tiếng nói của cử tri.
Tại các phiên chất vấn các Bộ trưởng và thành viên Chính phủ, các đại biểu trong Đoàn thành phố Hà Nội đã đặt vấn đề thẳng thắn, đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng cử tri. Như tại Kỳ họp thứ 3, đã có 11 đại biểu chất vấn các Bộ trưởng Bộ GTVT và Bộ Tài chính; 8 lượt đại biểu tranh luận làm rõ vấn đề. Tại Kỳ họp thứ 4, 8 đại biểu cũng đã thẳng thắn đặt vấn đề chất vấn các Bộ trưởng và thành viên Chính phủ...
Trong đó, đề cập đến một vấn “nóng” về trách nhiệm nêu gương - một trong những yếu tố hàng đầu để có thể xử lý và thực sự hiệu quả trong kiểm soát quyền lực, tránh lạm quyền trong thực thi công vụ, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đã chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm của người đứng đầu ngành thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ đã triển khai những nội dung gì liên quan đến trách nhiệm nêu gương của mình trong hệ thống thanh tra?
Cùng với đó là hàng loạt những vấn đề thực tiễn cũng được các đại biểu Đoàn thành phố Hà Nội truyền tải tới nghị trường trên tinh thần xây dựng cũng như nói lên trách nhiệm của người đại biểu dân cử trước các vấn đề cử tri quan tâm.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt trọng trách của người đại biểu dân cử, một trong những vấn đề trọng tâm được Đoàn xác định chính là làm tốt và ngày càng tốt hơn hoạt động tiếp xúc cử tri. Đây là kênh để có thể nắm chắc từ sớm, từ xa tình hình thực tiễn của địa phương; để hiểu cử tri mong muốn gì ở cơ quan dân cử, ở các quyết sách… Từ đó có thể mang tiếng nói, nguyện vọng của cử tri đến nghị trường Quốc hội.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn đã triển khai những cách làm sáng tạo với cả các cuộc tiếp xúc tri thường kỳ và chuyên đề. Cũng qua hoạt động tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội đã trực tiếp lắng nghe, tiếp thu các ý kiến tâm huyết để tổng hợp, chuyển tải tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định, thể hiện tinh thần trách nhiệm của đại biểu cơ quan dân cử.
Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Từ nhiều vấn đề bức xúc được Nhân dân phản ánh qua các cuộc tiếp xúc cử tri, Đoàn cũng tổ chức hàng chục cuộc giám sát, tái giám sát, khảo sát chuyên đề, phát hiện nhiều vấn đề đặt ra trong bảo đảm trật tự đô thị, giải quyết chế độ chính sách, đất đai, tài nguyên và môi trường; kiến nghị chủ trương, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Sau mỗi cuộc giám sát, khảo sát đều có báo cáo kết quả gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và UBND thành phố, đồng thời yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện các kết luận.
Đặc biệt, xác định rõ Luật Đất đai là nội dung rất quan trọng, có tác động, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực và đời sống của Nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách pháp luật Đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đây là hoạt động tiếp xúc cử tri chuyên đề đầu tiên từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV của Đoàn kết hợp công tác xây dựng luật Đất đai (sửa đổi).
Hội nghị thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu trong Đoàn và sự có mặt của 200 cử tri đại diện cho các thành phần chuyên gia, nhà quản lý, cán bộ ở cơ sở, đại diện một số Hiệp hội…. Các đại biểu phân tích những nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, đề xuất phương án xử lý phù hợp nhằm khai thông, giải phóng tối đa nguồn lực đất đai, tạo không gian, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội...
Cùng với Dự án Luật đất đai, Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự cũng được Đoàn tổ chức tiếp xúc cử tri tại Học viện Biên phòng và tại huyện biên giới Mường Nhé, tỉnh Điện Biên để lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo luật. Qua các buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn đã có thêm những căn cứ thực tiễn để đóng góp ý kiến chất lượng, trí tuệ, thiết thực vào dự thảo luậti.
Với những kết quả đã đạt được, sự gắn bó mật thiết, trăn trở trước những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân Thủ đô, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và từng đại biểu Quốc hội đã và đang góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp cùng nâng cao vị thế, uy tín của Quốc hội, xứng đáng với vai trò, trách nhiệm là người đại biểu dân cử.
21:09 26/04/2023