Ông Thọ tâm sự: "Với người dân ở nội thành khi cần tìm hiểu về lĩnh vực gì có thể dễ dàng ra các hiệu sách, nhưng với người dân nông thôn muốn tìm hiểu về kỹ thuật trồng trọt hay các cháu học sinh muốn đọc thêm sách báo thiếu nhi thì ở đây không dễ dàng tìm được. Có một tủ sách chung với nhiều loại sách phục vụ cho bà con trong làng là ý tưởng ban đầu để tôi đứng ra vận động Chi hội người cao tuổi trong thôn mở tủ sách".
Năm 2000, thư viện làng Thạch được thành lập, với số sách ban đầu 300 cuốn. Sau hơn 10 năm hoạt động, thư viện đã có hơn 1.000 đầu sách đủ loại, từ khoa học kỹ thuật, nông nghiệp, văn học, thiếu nhi... Khi mới đi vào hoạt động, các cháu thiếu niên, thanh niên phụ nữ, các cụ... phải ra đọc tại chỗ. Sau đó, nhận thấy sự bất tiện này và để giúp người dân tranh thủ được thời gian rảnh rỗi, ông Thọ và những người quản lý đã lập phiếu theo dõi và cho mượn sách đọc về nhà. Gần chục năm qua, cứ tuần hai buổi, thư viện mở cửa để người đọc tới đổi sách.
Thư viện thường xuyên có từ 150 - 200 lượt người đến mượn sách. Mỗi năm, những người quản lý lại thay phiếu một lần nhằm kiểm tra theo dõi số sách lưu động. Ông Thọ cho biết, ngoài những buổi phục vụ bạn đọc, ông tìm đến bạn bè, nhà hảo tâm, các thư viện lớn để xin sách bổ sung thêm cho thư viện làng. Dịp Thư viện thành phố luân chuyển sách, cứ khoảng 3 tháng lại được chuyển đổi 250 - 300 đầu sách. Đáng mừng hơn, vào năm 2005, một doanh nhân vốn người trong làng đã tài trợ xây dựng một gian 25m2 tại Nhà Văn hóa thôn làm phòng đọc sách.
Ông Cường Mạnh Đỏ, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất cho biết, thư viện làng Thạch là cầu nối mang tri thức đến cho bà con nông thôn dễ dàng hơn, nâng cao đời sống tinh thần, mở rộng kiến thức sản xuất cho bà con nông dân. Về lâu dài, đến năm 2015, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, các thôn phải có nhà văn hóa xã, thư viện làng Thạch sẽ có cơ chế chính sách và điều kiện phát triển hơn nữa, đáp ứng nhu cầu bạn đọc ở nông thôn.