Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mạng xã hội X đối mặt 2.200 đơn kiện

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo hồ sơ pháp lý, mạng xã hội X (trước đây là Twitter) đang đối mặt với 2.200 vụ tranh chấp từ các nhân viên cũ sau khi tỷ phú công nghệ Elon Musk tiếp quản công ty, cắt giảm nhiều nhân sự và thực hiện loạt điều chỉnh sâu rộng.

Hồ sơ pháp lý này nằm trong một vụ kiện tại tòa án quận Delaware giữa cựu nhân viên Chris Woodfield với Twitter, tập đoàn X và ông Musk.

Mạng xã hội X đối mặt 2.200 đơn kiện với chi phí lên tới 3 triệu USD.
Mạng xã hội X đối mặt 2.200 đơn kiện với chi phí lên tới 3 triệu USD.

Cụ thể, ông Woodfield, một cựu kỹ sư mạng cấp cao từng làm việc tại chi nhánh của Twitter ở Seattle, cáo buộc Twitter (hiện là X) đã không trả tiền trợ cấp thôi việc cho ông như cam kết, sau đó trì hoãn việc giải quyết tranh chấp thay thế khi không thanh toán các phí cần thiết để tiếp tục vụ pháp lý.

Vụ tranh chấp giữa ông Woodfield và tập đoàn X sẽ được giải quyết bởi  JAMS - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp dịch vụ hòa giải bằng trọng tài tại Mỹ.

Căn cứ vào biểu phí của JAMS, riêng chi phí nộp đơn trong 2.200 vụ tranh chấp bằng trọng tài của X có thể lên tới 3,5 triệu USD, chưa kể các khoản phụ phí.

Đội ngũ luật sư của X cho biết, công ty này không yêu cầu nhân viên phải chọn cách giải quyết mọi vấn đề thông qua trọng tài, do đó, công ty sẽ không chịu phần lớn hơn trong phí nộp đơn.

Trong tình huống này, ông Woodfield cùng các nguyên đơn khác muốn dừng vụ kiện thông qua JAMS và đưa vụ kiện ra tòa.

Tại Mỹ, nhiều tập đoàn lớn yêu cầu người lao động ký thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài khi làm việc tại các chi nhánh và điều này là hợp pháp.

Vụ kiện của ông Chris Woodfield chống lại tập đoàn X có nhiều điểm tương đồng với một vụ kiện tập thể khác tại tòa án liên bang San Francisco.

Trong vụ kiện này các nhân viên cũ của Twitter cáo buộc nền tảng xã hội này đã trì hoãn ít nhất 891 vụ tranh chấp bằng trọng tài do không thanh toán các khoản phí theo yêu cầu, mặc dù trước đó đã buộc nhân viên phải đồng ý phân xử tranh chấp thông qua trọng tài để có thể nhận trợ cấp thôi việc.